post

Mistral Gagnant, ca khúc yêu chuộng nhất của người Pháp

Renaud phát hành album Mistral Gagnant vào năm 1985 - DR

Renaud phát hành album Mistral Gagnant vào năm 1985 – DR

Tuấn Thảo RFI

Mistral Gagnant là tựa đề bài hát do nam ca sĩ Renaud sáng tác và ghi âm vào năm 1985. 30 năm sau ngày ra đời, bài hát này đã được bình chọn làm ca khúc yêu chuộng nhất của người Pháp. Đó là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận (do cơ quan BVA Doméo-Presse thực hiện) vừa được công bố trong tuần này.

Trong cuộc thăm dò ý kiến với chủ đề “Người Pháp và âm nhạc, lần đầu tiên một bài hát của Renaud giành lấy hạng nhất (25,7% ý kiến) với tỉ lệ sít sao. Thường thì ngôi vị quán quân được trao cho những ca khúc ‘’kinh điển’’ hơn. Trên bảng xếp hạng 2015, nhạc phẩm Ne Me Quitte Pas của Jacques Brel (phiên bản tiếng Anh là If You Go Away) sau nhiều năm đứng đầu bây giờ xuống hạng nhì (25,2%), còn nhạc phẩm L’Aigle Noir của nữ danh ca Barbara thì đứng hạng ba (22,5%).

Trên danh sách các bài hát yêu chuộng, tác giả kiêm ca sĩ Jean Jacques Goldman được kể tên nhiều nhất, anh có tới ba bài hát lọt vào Top Ten : Là-bas, Je te donneComme toi. Michel Sardou được kể tên hai lần nhờ bài hát Les Lacs du Connemara & Ne M’appelez Plus Jamais France. Nam danh ca kỳ cựu Aznavour cũng có mặt trên danh sách với tình khúc La Bohème (Kiếp phóng lãng). Về phía các nghệ sĩ trẻ mới nổi danh gần đây, ca sĩ người Bỉ Stromae là một trong gương mặt đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng, anh đứng hạng 13 với nhạc phẩm “Papaoutai”.

Kết quả thăm dò ý kiến cũng không có gì bất ngờ cho lắm khi ta nhìn vào bảng xếp hạng của các ca sĩ yêu thích nhất của người Pháp. Về phía các giọng ca nữ, thì vẫn không có gì thay đổi cho lắm …. Trong gần một thập niên vừa qua, đứng theo thứ tự nhất nhì vẫn là bộ ba Edith Piaf, Barbara và Céline Dion.

Về phía các giọng ca nam, Jean-Jacques Goldman vẫn giữ nguyên ngôi vị quán quân trong 4 năm liên tục, đứng hạng nhì là Jacques Brel, hạng ba là Georges Brassens, Jean Ferrat hạng tư. Michel Sardou đứng hạng 6, danh ca Aznavour hạng 14, các nghệ sĩ trẻ như Julien Doré (21) hay Christophe Maé (28), đều chỉ xuất hiện sau hạng thứ 20 trở đi. Do vậy, gương mặt gây bất ngờ hơn cả vẫn là nam ca sĩ Renaud, bởi vì tuy đứng hạng năm trên danh sách này nhưng trong những năm trước các bài hát của anh ít khi nào được xếp hạng cao.

Mistral Gagnant, ca khúc chủ đề của album cùng tên, phát hành cách đây vừa đúng 30 năm. Đây là bài hát cuối cùng anh ghi âm trước khi hoàn tất tập nhạc. Lúc đầu, Renaud không có ý định đưa bài hát này vào trong album vì theo anh bản nhạc này được viết cho đứa con gái ruột, nó thể hiện nhiều tâm tư tình cảm của một người cha, mà anh cho là quá riêng tư và có lẽ không thích hợp đồng nhất với các ca khúc còn lại. Rốt cuộc chính người vợ của nam ca sĩ thời bấy giờ mới thuyết phục anh, giữ nguyên bài hát và đưa vào trong album cho tròn số ca khúc.

Nhờ bài hát này phát hành trên đĩa đơn vào năm 1986, mà tập nhạc Mistral Gagnant trở thành album ăn khách nhất trong sự nghiệp của Renaud, với hơn hai triệu bản bán chạy trong sáu tháng. Tính tới nay Renaud đã ghi âm 23 album studio, nhưng ít có album nào vượt qua được thành tích này. Thành danh vào năm 1977, Renaud nổi tiếng là một nghệ sĩ dấn thân theo khuynh hướng thiên tả. Ngoài việc ủng hộ các tổ chức như Green Peace, SOS Racisme hay Ân xá Quốc tế, anh còn tham gia vào các chiến dịch gây quỹ tài trợ cho Hội y sĩ không biên giới (MSF) hay các Quán ăn tình thương (Les Restos du Cœur).

Renaud còn là một nghệ sĩ với tư tưởng chủ hoà, qua sáng tác anh chống lại xung đột bắc Ai Len (La ballade Nord Irlandaise 1991), chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư (Manhattan-Kaboul 2002) cũng như khủng hoảng vùng Trung-Cận Đông. Renaud từng bị chỉ trích do anh tham gia cùng lúc vào nhiều chiến dịch vận động dư luận (kể cả việc đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cũng như Ingrid Betancourt). Điều đó khiến cho giới truyền thông thắ cmắc tự hỏi : đằng sau sự dấn thân này, nhân vật Renaud thật sự là ai.

Trong lãnh vực sáng tác, ngòi bút của Renaud được công nhận trong cách sáng tạo từ mới, hoán chuyển đảo chữ như thể cố tình viết sai chính tả, bất kể văn phạm hay cú pháp ( …. je repartira …. nous nous en allerons). Renaud còn nổi tiếng trong việc dùng nhiều tiếng lóng cũng như cách nói lái để làm giàu vần điệu, các bài hát của anh cũng thường phác họa chân dung nhân vật như thể tác giả vẽ tranh biếm họa (Miss Maggie, L’Entarté, Tonton, La mère à Titi).

Bản nhạc Mistral Gagnant đứng ngoài các hạng mục này và khai thác một hướng đi khác. Sau khi lập gia đình và có con, Renaud mới bắt đầu sáng tác về tuổi thơ. Một trong những bản nhạc ăn khách đầu tiên viết về chủ đề này là bài Morgane de toi, mà Renaud đã viết cho (Lola) đứa con gái đầu lòng. Nhiều ca khúc tương tự lần lượt ra đời (chẳng hạn như các bản nhạc Adieu l’Enfance, Le Sirop de la rue, Baby-sitting blues, La Pêche à la ligne, La Menthe à l’eau…), nhưng không có bài nào có thể sánh bằng nhạc phẩm Mistral Gagnant, cả về giai điệu lẫn ca từ.

Bài hát này tựa như lời thì thầm nhắn nhủ dịu dàng của một người cha gửi cho con mình. Hai bố con ngồi trên ghế đá công viên, ông bố kể lại cho con những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Đứa bé nở nụ cười hồn nhiên nhưng bỗng nhiên ông bố cảm thấy tuổi già về bên ngưỡng cửa tâm hồn, để lại bao hoài niệm lưu luyến. Tiếng cười trẻ thơ hàn gắn những vết thương nội tâm của người cha, ông bố muốn níu kéo giữ lại những chớp mắt hạnh phúc trong đời, cho dù thời gian cuối cùng rồi cũng sẽ giết chết nụ cười thơ ngây.

Trong nghĩa đen, Mistral Gagnant là tên gọi của một loại kẹo giòn. Trong nghĩa bóng, đó là ẩn dụ của tình cha con, dùng biểu tượng của vị ngọt để nói lên lòng yêu thương. Có lẽ cũng vì thế mà 30 năm sau ngày ra đời, bản nhạc này đã đi vào lòng người mến mộ. Tình khúc này chinh phục trái tim của người Pháp, có lẽ cũng vì một mặt nó gắn liền với đời sống của họ, mặt khác nó phản ánh gia cảnh của Renaud, đang lún sâu trong chứng trầm cảm và chứng nghiện rượu.

Đôi khi người nghe Mistral Gagnant chợt thấy mình trong bài hát. Những con người thời còn trẻ đeo đuổi nhiều lý tưởng, nhưng càng về già, càng không còn ảo vọng. Những khoảnh khắc tuổi thơ trong tâm tư chết lịm bồi hồi. Tựa như một viên kẹo ngọt bùi để lại trên chót lưỡi đầu môi, biết bao vị chua cay, đăng đắng ngậm ngùi.