post

“100 Năm Bánh Vá Gò Công”

Tuyết Nga – Bánh Vá Gò Công Gia Truyền



100 NĂM BÁNH VÁ GÒ CÔNG

—-o0o—-
 
Tôi mang tên “ Nga bánh vá “ khi nào không biết !

Những năm học trung học đệ nhị cấp, tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao, đây là thời gian tôi bị chọc phá nhiều nhất. Bất cứ ở đâu, ngoài đường, trường học, thậm chí ngay cả những buổi phát thưởng cuối năm tại rạp Bình An, khi thầy điều khiển chương trình giới thiệu :

– Tuyết Nga học sinh lớp … đơn ca bài …

Màn chưa kéo ra, dưới hàng ghế khán giả vang rân những câu quen thuộc mà hằng ngày tôi đều nghe :

– Bánh Vá 3 đồng không có tôm

– Bánh Vá 5 đồng có thịt

– Bánh Vá ế 5 đồng 2 cái đây

– Bánh vá ế vì tôm để lâu nên sình

– Bánh Vá, bánh vá …. !!!

Thật sự muốn chui đâu đó, mặt sượng vì mắc cỡ, cơn tức trào lên  hát không muốn nỗi, nếu lúc này ở ngoải đường là tôi không ngần ngại tuôn ra :

– Đồ mất dạy

– Cha mẹ không biết dạy con

– Bán Bánh Vá chứ bộ ăn cắp của dòng họ mấy người hả?

Sau này biệt danh “ Nga bánh vá ” bạn bè còn gắn thêm cái đuôi “ dữ bà cố “.

 

Lập gia đình, chồng tôi là lính đời sống quân đội lôi tôi đi khắp nơi, “ Tuyết Nga bánh Vá ” ít nghe người nhắc đến.

Sau năm 1975 cuộc sống đầy khó khăn gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác mang bàn, ghế, tủ giường, tô chén, vật dụng trong nhà ra chợ bán tạm sống qua ngày. Khi tài sản chẳng còn gì tôi trôi về lại Gò Công, hằng ngày bưng xề bánh Vá bán kiếm tiền thăm chồng nuôi con xuôi dọc khắp nơi. Mỗi lần ra về ngang “ Sạp bán kim chỉ “ của nhà thơ Trần Anh Tài nếu chưa “ dẹp tiệm “ lại vang lên :

– Bánh Vá còn không ?

– Hết

– Hết thì bán cho tới Tết !

Lúc trả lời :

– Còn

– Đi Sài Gòn mà bán !

Cuộc sống vất vả mệt mõi không còn đối đáp như thời học trò

– Quỷ xứ !

Đại khái là như vậy, bây giờ ngồi đây viết những dòng này nhớ lại câu “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò ” thời đẹp nhất trong đời mà thèm được ai đó gọi

– Tuyết Nga bánh Vá, dữ bà cố !

Tuyết Nga sẽ đón nhận một cách rất hãnh diện vì đó là món quà quê hương bạn bè Gò Công thân thương trao tặng, kỹ niệm một thời trong một đời !

 

Nghề Bánh Vá

 

Ở Miền Nam Bánh Vá ra đời đúng 100 năm, bánh được làm ra bán cho công chúng từ năm 1916 đến nay, đặc trưng chỉ xuất hiện tại tỉnh Gò Công, sau nầytrong tỉnh có nhiều nơi cũng chiên bánh vá, nhưng người sành điệu vẫn cho bánh Vá của “ Bà Tư bánh Vá “ là số 1.

Ở đâu có cạnh tranh chất lượng sản phẫm sẽ được tăng và khách hàng được lợi, trên tinh thần ấy chúng tôi hoan nghênh các điểm bán bánh Vá trong thị xã Gò Công hiện nay, để phân biệt bánh Vá chánh thống và “ ngoài luồng ” chúng ta chú ý

  • Bánh Vá được truyền thừa từ “ Bà Tư Bánh Vá “ Chợ Giồng, điểm đặc biệt chỉ bán trong nhà lồng chợ.
  • Bánh Giá “ ngoài luồng “

Cùng một âm nhưng khác nhau chử V và G

– V là cái Vá, chỉ cho chiếc bánh được làm và chiên trên cái Vá

– G là Giá sống, nguyên liệu đặc trưng trong chiếc bánh

 

  • Gia Đình chúng tôi

 

Trong thời gian rất dài khởi nghiệp từ năm 1947, trãi bao thăng trầm gia đình chúng tôi gầy dựng nghề Bánh Vá thương hiệu nổi tiếng ở Gò Công hiện nay. Từ lâuBánh Vá đã mang đến cho gia đình chúng tôi cuộc sống ấm no, anh chị em được học hành và thành đạt.

 

Nghe Vú tôi kể lại:

Bà ngoại tôi tên :
-Nguyễn Thị Luốc với biệt danh “ Bà Tư bánh vá “ Chợ Giồng

Ông ngoại tôi là :

– Trần văn Tồi làm chức Hương Nhạcquê quán ở Ba Dừa, Tỉnh Mỹ Tho.

Vào năm 1916 gia đình ông bà dọn về Chợ Gạosống bằng nghề chiên Bánh Vá. 15 năm trãi bao thăng trầm cuộc sống gian lao khó nhọc vẫn không khá hơn, năm 1930 buôn bán khó khăn “ cửa hàng “ chiên bánh Vá ông bà tôi dờivề chợGiồng Ông Huêthuộc làng Vĩnh Lợi. Từ vùng đất lành này Bánh Vá nổi lên chen vai với những món ngon đặc sản như mắm Tôm Chà, mắm Còng Lột … làm nổi danh xứ Gò

Gian hàng chiên bánh vá của ngoại tôi khiêm nhường chiếm một gốc nhỏ trong chợ Giồng Ông Huê, trước mặt chợ là con kinh, bên kia bờ kinh thuở ấy là nhà máy xay lúa.

 

Ông bà ngoại sinh được 2 người con:

– Vú tôi,con gái đầu lòng tên Trần Thị Vinh

– Cậu tôi là Nguyễn văn Tại

Vú tôi hằng ngày ra chợ phụ bà buôn bán, đến năm 17 tuổi lập gia đình.

Ba tôi :

-Nguyễn Duy Hải, quê làng Vĩnh Hựu kề bên.

Ba Vú tôi không ra riêng mà ở nhà ông bà ngoại vì vậy mỗi ngày vú vẫn ra chợ buôn bán và phụ giúp công việc nhà

 

Các anh chị tôi lần lượt ra đời

Miền Nam thường không gọi tên chỉ gọi thứ, người lạ nghe đến thứ anh em chúng tôi tưởng gia đình rất đông con.

Số là khi vú tôi sinh anh thứ Hai, ông thầy bói phán rằng:

– Thằng bé này cao số, với lại tuổi nó khắc tuổi cha, khi nó 3 tuổi thì ông nhà phải chết!

Vú tôi sợ hải hỏi:

– Như vậy phải làm sao có cách gì hóa giải không thầy ?

Thầy thương tình phán :

– Gói nó lại cho kỹ để vào thúng, đem ra bỏ ở ngã ba đường, nhờ người nào đó làm bộ vô tình đi ngang nhìn thấy lượm về làm con, sau đó đem đến gia đình mướn vú nuôi, bằng không khi nó lên 3 tuổi ông nhà khó thoát!

Vú tôi ra về làm y như lời thầy dạy không sai chút nào, nhờ vậy mà né được thánh thần,vú tôi khỏi làm thân góa bụa còn ba tôi sống đến già, ông thầy giỏi thiệt !

Vì lý do đó chúng tôi không gọi má bằng má, mà kêu bằng Vú !

Theo sự sắp đặt, Ông Hai Lò Bún lượm anh tôi về, gia đình ông đã có sáu người con vì vậy

– Anh Hai được gọi là anh Bé Tám, thứ của anh chị tôi cứ thế tiếp tục

– Anh Ba chúng tôi gọi anh Bé Chín

– Chị Tư thành chị Bé Mười

– Anh Năm gọi anh Bé Một

– Đến tôi thứ sáu gọi Bé Hai, gia đình thấy kỳ kỳ với thứ của các anh chị tôi nên gọi bằng Bé Nhỏ. Các em tôi sau này được kêu bằng tên

 

Trước 1 năm tôi chào đời, vào năm 1945 Việt Minh nổi dậy muốn gây tiếng vang, tổ chức đánh đồn lính, đóng bên này bờ kinh đối diện với nhà máy xay lúa. Đồn lính do Ông Cai Tổng Ngữ chỉ huy, lực lượng Việt Minh gồm mấy chục chiến sĩ, ôm súng làm bằng  “ bập dừa “ *. trang bị thêm cây súng  “ Mút cờ tông “  chạy quanh đồn phô trương lực lượng, chiến sĩ giữ cây “ Mút cờ tông ” lúc bên Đông khi thì bên Tây nạp đạn bắn đùng… đùng thị uy !

 

Lính trong đồn kháng cự mãnh liệt, bắn ra như vãy thóc, được một lúc Việt Minh rút đi. Trước khi rút đi họ đốt nhà dân quanh đồn, nhà ngoại nằm trong khu vực ấy nên cháy sạch, cả gia đình chia nhau nương náu nhà bà con quanh xóm.

Ba tôi thời gian này đi lính, đóng quân tại Gò Công, vì vậy vú đưa anh em chúng tôi từ Chợ Giồng về Gò Công ở với ba trong trại lính.Nhà tôi đối diện với Toà Án. Khu này trước năm 1960 được xây tường cao làm Trung Tâm Cải Huấn

 

Chú thích:

* Bập dừa là phần còn lại bám vào gốc của cây dừa lá mọc hai bên bờ sông, người dân chặt phần trên, cằm ngọn xé ra thành 2 phần phơi khô làm lá cất nhà gọi là lá Xé. Việt Minh cho người xắn bặp dừa, dùng dao rộc bỏ vỏ bên ngoài còn lại như hình tấm ván, dùng dao cắt tỉa hình dạng giống cây súng, xỏ dây lạt dừa làm quay, gọi “súng bặp dừa” các chiến sĩ địa phương khoảng 9 – 10 người, muốn đánh đồn bót nào, đêm đêm mang súng đi xa xa vòng quanh đồn, đi từ trăng mọc cho đến trăng lặn,lính trong đồn nhìn thấy tưởng bộ đội về nhiều lắm

 

  • Bánh Vá Gò Công

 

Vú tôi kể lại khi ra riêng, của hồi môn tài sản ngoại cho chỉ là

– 4 cái vá chiên bánh.

– 1 cái cối xay bột.

– và công thức làm bánh.

Tiền lính tính liền, gia đình đông con hoàn cảnh rất khó khăn, vú muốn chiên bánh Vá để phụ lo gia đình nhưng không vốn !

Nhân ngày lễ lớn Tỉnh Gò Công có tổ chức đua ngựa tại Sân Vận Động, ba tôi ghi tên dự thi. Chiều chủ nhật nơi đây đông nghẹt người đến xem,

Cuộc đua ngựa nhiều nguy hiểm, đường đua là đường vòng quanh sân vận động được trải “ xỉ than đá “ rất nguy hiểm, nếu từ ngựa té xuống chuyện vở đầu, bể trán, dập mặt như không !

Người đến xem thật là đông, đứng nghẹt hai bên đường đua, kẻ la người hét, tiếng vỗ tay vang inh ỏi cả góc trời !

Vú phải ở nhà giữ anh em chúng tôi không đi xem được dù vú rất muốn, ngồi trước cửa ngóng tin mà như có ai đốt lửa trong lòng, ngồi đứng không yên, chợt nghe người xem đi ngang nhà nói có mấy chú nài ngựa bị té, thương tích đầy người, bèn bỏ nhà vội chạy qua Sân Vận Động vừa vào cổng gặp chú TưPhòng đi ra, chú cười:

– Ngựa anh Chín về nhất, được lảnh thưởng 40 đồng.

Thường thường nài ngựa phải nhỏ con nhẹ ký, ba tôi thì ngược lại, về nhất cuộc đua ba phải cố gắng biết bao nhiêu !

 

Với số tiền thưởngđua ngựa 40 đồng,bánh Vá ”  Bà Chín Hải Gò Công “ ra đời.

Gian hàng bánh vá của vú tôi nằm khiêm nhường bên hông chợ nhà lồng Gò Công trước mặt là sạp bán nón dép của Thiếm Ba Hoành và những sạp vãi, sạp cháu lòng bà Năm Tá và chị Hai Lùn kèm hai bên, sau lưng là một dãy thum hớt tóc.

Như vậy kể từ năm 1947 Gò Công có 2 gian hàng Bánh Vá

– Một tại chợ Giồng Ông Huê bà ngoại tôi bán

– Một ở chợ Gò Công của Vú tôi

 

Cậu ba lớn lên lập gia đình cưới vợ, mợ tôi là con gái Bà Bảy Dần chủ xe đò Tam Hưng chạy tuyến Chợ Giồng – Mỹ Tho và Chợ Giồng – Sài Gòn. Gia đình cậu Ba lập nghiệp ở Chợ Giồng nhưng không theo nghề bánh Vá mà mở tiệm Tạp Hóa buôn bán sinh sống qua ngày.

 

Bánh vá là nguồn kinh tế đã nuôi chín anh chị em tôi nên người. Biết bao gian lao cực khổ, vất vả chịu khó, sự hi sinh của Vú tôi, khiến tôi những đêm nằm trằn trọc không ngủ được, đêm đêm vú ngủ rất ít phải thức chuẩn bị nguyên liệu để sáng mai gánh hàng ra chợ, nhớ tới cảnh đêm khuya một mình với cái nón lá cũ, vú quảy gánh đi trong mưa tôi không cầm được nước mắt.

Việc buôn bán không phải ngày nào cũng đắt khách. Những ngày rằm, mùng 1, ngày cuối năm, thường bị ế tôi phải bưng mâm bánh vá đi bán dạo các gian hàng quanh chợ.

 

Biệt danh “ Tuyết Nga Bánh Vá dữ bà cố ”, khởi nguyên từ đây !

 

Bánh Vá gia đình chúng tôi khởi nghiệp trãi qua 3 thế hệ vừa đúng 100 năm (1916-2016 ) trong một trăm nămtồn tại đã phục vụ khách hàng, vị nào một khi đã ăn miếng bánh Vá Chợ Giồng thì nhớ mãi thèm lâu. Bánh Vá cũng đã đi vào văn học dân gian qua hai câu ca dao :

  • Anh ơi về tới Hòa Đồng
  • Nhớ mua bánh Vá Chợ Giồng tặng em

Hoặc

  • Một mai em gái theo chồng

Còn đâu Bánh Vá Chợ Giồng mời anh

Mỗi khi nghe ai đó đọc hai câu ca dao này lòng tôi dâng lên niềm tự hào, có thể một nhân vật nào đó nói về cô gái ở Chợ Giồng nào đó, nhưng tôi vẫn hình dung đến Vú tôi, cô thôn nữ đẹp người đẹp nết, thùy mỵ đoan trang hằng ngày bên chảo chiên bánh Vá một thời đã hốt hồn những cánh bướm đa tình.

Ngày ba cưới vú tôi nhiều thanh niên Chợ Giồng xao xuyến tâm can, mộng mơ tan nát, rồi nhiều đêm thao thức một vị nào đó viết hai câu thơ để đời ! Tôi nghĩ vậy và từ ấy Bánh Vá hiên ngang đi vào văn học nước nhà !

Thi Sĩ Duyên An người Gò Công là nhà thơ chuyên về Lục Bát, Xin giới thiệu bài thơ Đường ông viết nói về

 

BÁNH VÁ CHỢ GIỒNG

 

Chợ Giồng Bánh Vá món ngon nè

Ăn với Xôi Vò đã lắm nghe

Đặc sản quê hương dù nhỏ bé

Tinh hoa hồn Việt chớ e dè

Về xa một túi hành trang nhẹ

Chở cả đôi bờ hạnh phúc he

Viễn xứ tha phương già hóa trẻ

Lòng như quanh quẩn ở bên hè

 

Duyên An

 

Bánh Vá là món ăn đặc sản của tỉnh Gò Công, đã trở thành món ăn thân quen hằng ngày không những trong giới bình dân mà còn quyến rủ cả giới nhà giàu, trí thức.

Vào những năm 1960 Luật Sư Châu con ông Hội Đồng Tám ở xã Đồng Thạnh, Đồng Sơn tháng nào cũng đưa vợ là chị ruột bà Trần Lệ Xuân vợ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu từ Sài Gòn về Hòa Đồng ( thời gian này Chợ Giồng được gọi là Hòa Đồng ) để ăn bánh Vá Chợ Giồng

Bánh Vá cũng có mặt trên bàn ăn nhiều gia đình quê tôi vào những ngày, lễ cưới , tiệc tân gia, giổ chạp …

 

  • BÁNH VÁ

 

Nhiều người thường nghĩ Bánh Vá Gò Công là Bánh Cống ở Cần Thơ, Bạc Liêu, nhưng không đúng.

Nguyên liệu để làm thành chiếc bánh Vá phong phú hơn nhiều, hình dáng chiếc bánh cũng khác biệt

 

Nguyên liệu chính để làm thành bánh Vá như sau :

  • Bột gạo
  • Bột Đậu Nành
  • Thịt heo nạc
  • Tôm
  • Óc Heo
  • Gan
  • Nắm Rơm
  • Nắm Mèo
  • Giá sống .V.v…
  • Đặc biệt bánh Vá Gò Công, Vú tôi chiên bằng mỡ heo quay do ba tôi thu mua các lò quay heo trong tỉnh
  • Bánh Vá ăm kèm với rau sống và Bánh Hỏi,
  • Nước mắm chanh tỏi ớt đường, sau này chúng tôi dùng mắm tôm chà thay cho nước mắm, ngon không chê vào đâu được !
  • Có người ăn bánh Vá với Xôi Vò, bằng cách bẻ miếng bánh Vá, bốc miếng xôi Vò ăn không rau không chắm nước mắm

 

Bánh Vá ngon nhờ nguyên liệu tươi sống, bột đạt yêu cầu đã đành nhưng củi lửa, dầu mở, Vá chiên bánh cũng không kém phần quan trọng, nhưng để đạt chiếc bánh chất lượng trong đó kinh nghiệm người làm bánh được tính hàng đầu

 

Chiếc bánh Vá được hình thành và bán cho khách trãi qua nhiều khâu

– Ngâm gạo, Đậu Nành sau đó đem xay thành bột

– Làm nhân bánh

– Lặt rửa rau

– Làm nước mắm

Tất cả việc này phải giải quyết trong đêm, để sáng gánh hàng ra chợ, công việc cực nhọc lấy công làm lời vì vậy ít bị cạnh tranh !

 

( còn tiếp )

 

Tuyết Nga

 

Save