Tuấn Thảo Đăng ngày 11-11-2015
Ngày 11/11 là một ngày lễ lớn tại nhiều nước từng tham gia Đệ Nhất Thế Chiến. Người Mỹ cũng như người Canada gọi đó là (Veterans Day) Ngày cựu chiến binh, trong tiếng Anh là Remembrance Day Ngày tưởng niệm, còn trong tiếng Pháp là Armistice Ngày đình chiến (11/11/1918). Tuy mỗi quốc gia có một cách gọi khác nhau, nhưng tất cả đều dành trọn ngày này để tưởng nhớ, ghi ơn công lao của các ‘’Chiến sĩ Trận vong’’.
Ngoài việc đặt vòng hoa tưởng niệm trên mộ phần liệt sĩ, vào ngày này, người Anh-Mỹ còn thường cài trên ngực một nhánh hoa anh túc đỏ thắm. Hoa anh túc (poppy trong tiếng Anh, coquelicot trong tiếng Pháp) đã trở thành biểu tượng của những người lính, trên tuyến đầu nằm xuống, giữa trận địa bỏ mình. Biểu tượng này xuất phát từ bài thơ mang tựa đề In Flanders Fields (Trên cánh đồng vùng Flandres), được sáng tác cách đây đúng một thế kỷ.
Tác giả bài thơ là trung tá John McCrae, một bác sĩ quân y trong quân đội Canada. Ông viết bài thơ “In Flanders Field” vào đầu tháng Năm năm 1915, sau khi lo tang lễ cho một chiến sĩ đồng đội (Alexis Helmer) tử trận trong trận đánh ác liệt đẫm máu tại thị trấn Ypres, phía tây nước Bỉ. Lần đầu tiên quân đội Đức dùng vũ khí hoá học ở quy mô lớn, khí độc chlorine khiến các phe tham chiến bị tổn thất nặng nề, hơn 100.000 ngàn binh sĩ bỏ mạng, trong đó có gần hai phần ba là lính Anh (60.0000), một phần ba (30.0000) là lính Đức, thiệt hại nhan mạng phía Canada cũng như Pháp là từ 6.000 đến 10.000 ngàn người.
Cảm động thương xót trước cái chết của các đồng đội, trung tá John McCrae mới chấp bút viết bài thơ “In Flanders Field”, (bản phóng tác tiếng Pháp là Au Champ d’Honneur) nhưng do chưa thhật vừa ý cho nên ông đã vò nát rồi quẳng đi tấm giấy, những người bạn của ông lúc ấy mới nhặt lên và cất giữ lại. Mãi đến đầu tháng 12 năm 1915, bài thơ mới được in trên giấy, phát hành trên một tập thơ tại Luân Đôn.
Trên cánh đồng Flanders
Hoa anh túc nở đầy
Mồ xanh giữa hàng cây
Chập chùng thập tự giá
Mịt mùng cánh đồng mây
Giữa trời sơn ca bay
Hoà tiếng hót mệt nhoài
Lằn đạn réo bên tai ….
Bài thơ ngắn mà cảm động, dùng hình tượng của loài hoa anh túc đỏ thắm mọc đầy trên những ngôi mộ của những chiến sĩ bỏ mình trên chiến trận. Bài thơ tựa như lời nhắn nhủ gửi gấm của những kẻ vừa ra đi cho những người còn ở lại, để cho họ tiếp tục can đảm giữ vững tinh thần chiến đấu, làm thế nào để cho sự hy sinh của những người nằm xuống không trở nên vô nghĩa.
Trung tá John McCrae qua đời vì chứng sưng phổi cuối tháng Giêng năm 1918, tức là ông không sống được lâu để chứng kiến ngày hòa bình trở lại, vì lệnh đình chiến chỉ được ký vào tháng 11 năm 1918. Nhìn người mà bắt gặp ta, viết cho đồng đội hoá ra lại viết cho (bản thân) mình, hoa anh túc vì thế mà trở nên biểu tượng của thế hệ thanh niên hy sinh cho tổ quốc trong thời chiến. Trung tá John McCrae được chôn cất tại thị trấn Wimereux, ở tỉnh Pas de Calais.
Viện bảo tàng của vùng Somme có giành riêng một gian phòng triển lãm dành cho John McCrae, một vị anh hùng và cũng là một nhà thơ, trong đó có bài thơ “In Flanders Field” trở thành tác phẩm để đời của ông. Khi đọc được bài này, giáo sư người Mỹ Moina Michael vô cùng xúc động, bà viết một bài thơ đáp lại với tựa đề “We shall keep the faith” (Chúng ta sẽ vững niềm tin), và trong vòng một năm bà đã vận động nhiều người đeo tren ngực một nhánh hoa anh túc may bằng vải để ghi ơn công lao chiến sĩ.
Sau ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hoa anh túc được chọn làm biểu tượng cho ngày Tưởng Nhớ các Chiến sĩ Trận vong nhất là trong khối Thịnh vượng chung kể cả Anh, Canada, Úc, New Zealand. Riêng tại Mỹ, ngày này ban đầu vẫn được gọi là ngày Đình chiến, cho tới năm 1954, Quốc hội Mỹ mới ban hành sắc lệnh đổi cách gọi thành Ngày Cựu Chiến Binh hầu vinh danh tất cả các quân nhân Hoa Kỳ từng tham gia các cuộc chiến.
******
Tại Pháp, vào ngày 11/11, người ta thường đặt trên các ngôi mộ tử sỉ loài hoa bleuet tức là hoa cúc xanh (cúc lam). Cũng như hoa anh túc, cúc xanh thường mọc trên những cánh đồng hoang. Các huy hiệu hay huân chương thường có nhiều nhánh như hoa cúc, và màu xanh dương là màu quân phục của binh sĩ Pháp thời Đệ nhất Thế chiến. Hình tượng này được phổ biến cho tới những năm 1960.
Đổi lại, hoa anh túc thịnh hành trong văn học Pháp từ đầu thế kỷ XIX, trong giai đoạn gọi là chiến tranh Napoleon (1803-1815), theo ghi chép của các sử gia thời bấy giờ, binh sĩ tử trận thường được chôn cất ở ngoài đồng, các nhánh hoa dại đầu tiên nở rộ sắc nụ thường là hoa anh túc, dù chiến trường vẫn còn vương khói súng.
Mãi tới năm 1952, tác giả Raymond Asso chấp bút sáng tác nhạc phẩm Comme un p’tit coquelicot (Như nhánh hoa anh túc). Bài hát này trong cách sắp đặt chi tiết, gợi hứng rất nhiều từ bài thơ tuyệt tác Le dormeur du val (tạm dịch Người ngủ trong Thung lũng) của văn hào Pháp Arthur Rimbaud, sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Pháp – Phổ (1870). Bài thơ của Rimbaud không nhắc đến hoa anh túc mà chỉ mô tả hai vết máu loang thấm trên ngực của một người lính trẻ.
Từ hình tượng này, tác giả Raymond Asso trong nhạc phẩm Như nhánh hoa anh túc (Comme un p’tit coquelicot) mới dùng ẩn dụ để tả nhánh hoa đỏ thắm nở rộ từ vết thương, cho dù ông không giữ lại bối cảnh của chiến tranh. Dù gì đi nữa, cũng như nội dung bài hát có nói, hoa lưu ly hay hoa hồng thẫm đều có ngôn ngữ biểu tượng, chỉ có những kẻ dại khờ mới thích hoa anh túc, do loài hoa chỉ mọc từ những vết thương còn tươi máu.
Ở hai thời điểm khác nhau, cả hai tác giả John McCrae và Raymond Asso đều cùng nói lên một điều : hoa anh túc là biểu tượng của tuổi trẻ còn đầy khao khát nguyện vọng nhưng lại ra đi quá sớm. Một thế kỷ sau ngày ra đời, bài thơ của trung tá John McCrae đi vào thi ca cho dù không ngàn lời, nhờ cái hình tượng thảm hoa anh túc đỏ rực chân trời ……