Bachata cũng như merengue vừa là điệu nhạc, vừa là điệu nhảy bắt nguồn từ cộng hoà Dominica. Nằm kẹt giữa một bên là Puerto Rico và bên kia là Cuba, nơi xuất phát của nhiều nhịp điệu La Tinh nổi tiếng, cộng hoà Dominica từ những năm 1950 đã tìm thế đối trọng, chính thức nâng hai ngành du lịch và âm nhạc lên hàng biểu tượng văn hóa quốc gia.
Vũ điệu nổi tiếng đầu tiên của hải đảo này là điệu merengue ra đời ở vùng Cibao vào giữa thế kỷ XIX (những năm 1850). Điệu merengue tự nó xuất phát từ một điệu vũ truyền thống gọi là mangulina. Trong vòng nhiều thập niên liền, merengue được phổ biến trong dân gian (còn mang tên là merengue típico) chủ yếu được chơi trong các ngày lễ hội thôn làng với các nhạc khí như phong cầm, trống gỗ hay trống đá güira, mộc cầm marimba, nguyệt cầm chơi với miếng gảy plectrum bandurria …
Thể điệu merengue chủ yếu thịnh hành ở vùng nông thôn, nhưng lại bị các tầng lớp trưởng giả trung lưu chê là quê mùa dân dã, cho nên ít có cơ hội phát triển ở chốn đô thị. Chỉ từ giữa thế kỷ XX trở đi, để phát triển ngành du lịch văn hóa, cộng hoà Dominica mới công nhận merengue là di sản văn hóa (dưới thời Tổng thống toàn trị Rafael Leónidas Trujillo Molina, còn được mệnh danh là El Jefe 1891-1961).
Thể điệu nổi tiếng thứ nhì của cộng hoà Dominica là điệu bachata. Nó chính thức ra đời vào ngày 30 tháng 5 năm 1962 qua phiên bản ghi âm của nghệ sĩ José Manuel Calderón (với nhóm Los Juvéniles) cho đài truyền hình quốc gia. Vào thời đó, sự sụp đổ của chế độ độc tài Molina tạo ra một luồng gió thông thoáng trong giới văn nghệ sĩ. Họ cảm thấy thoải mái tự do hơn khi cầm bút sáng tác. Nền văn hóa quốc gia tìm được một sức bật mới khi xã hội bắt đầu tự cởi trói.
Hiện tượng này tương tự như hai phong trào Movida và Nueva Ola tại Tây Ban Nha sau thời kỳ độc tài chuyên chế của tướng Franco. Nueva Ola có nghĩa là Làn Sóng Mới, còn Movida là cách nói gọn của Movida Madrileña, hiểu sát nghĩa là phong trào xuất phát từ thủ đô Madrid, nhưng theo cách nói bóng bẩy có nghĩa là ‘’ly tâm’’, thoát khỏi trọng lực trung tâm để làm những gì chính quyền không cho phép.
Tác giả José Manuel Calderón cùng với Rafael Encarnación là lớp nghệ sĩ đầu tiên khai phóng cho thể điệu bachata qua những bài hát như Borracho de Amor, Condena (que será de mí), Cariñito de Mi Vida. Thế hệ trẻ này nhận được sự hưởng ứng của giới báo chí truyền thông. Đài phát thanh đầu tiên không còn nằm dưới sự quản lý của nhà nước, ra đời vào năm 1964 mang tên là Radio Guarachita. Điều đó sẽ giúp phổ biến rộng rãi cả hai dòng nhạc dân gian là merengue và sáng tác mới là bachata.
Nếu merengue thuần chất dân gian, thì đổi lại bachata là một thể điệu phức hợp hoà quyện trộn lẫn nhiều điệu nhạc khác nhau. Âm sắc giai điệu bachata vì thế đôi lúc gần giống với salsa của puerto rico, nhưng nhịp điệu thì lại vay mượn từ són cubano và nhất là bolero ritmico, tức là lối gõ phách nhanh hơn nhiều so với bolero theo phong cách Cuba.
Nhạc khí sở trường của các nghệ sĩ bachata là bộ đàn ghi ta, bộ gõ gồm trống gỗ güira, bongo và maracas. Có lẽ cũng vì thế mà bachata trong thời gian đầu còn được gọi là bolero antillano hay là và bolero campesino, khí được phối với trova thì được gọi là canción del amargue. Cũng như salsa, điệu bachata dễ bắt nhịp cầu nối, hấp thụ ảnh hưởng để rồi diễn giải lại nhiều điệu nhạc khác cho ra đời các điệu hỗn hợp là bachatango và bachata cha cha.
Dòng nhạc bachata thật sự trỗi dậy rồi lan tỏa sang nước ngoài, kể từ đầu những năm 1980 trở đi. Cộng hoà Dominica nâng việc phát triển ngành du lịch lên hàng quốc sách, cho dù đà phát triển quá nhanh dẫn tới nhiều tệ nạn khó lường như nạn buôn lậu ngoại tệ hay mua bán nhà đất trái phép. Dù gì đi nữa, Punta Cana từ một làng chài hẻo lánh trở thành một trong những trạm nghỉ mát nổi tiếng nhất vùng biển Caribê, với hơn một trăm ngàn dân chủ yếu sinh sống nhờ các dịch vụ du lịch.
Trong cái bối cảnh đó, merengue và nhất là bachata được khai thác như một thương hiệu, để quảng cáo cho ngành du lịch. Một video clip ca nhạc quay phong cảnh bãi biển xanh biếc, rặng dừa non mướt trên bờ cát trắng ngà hiệu quả hơn là tất cả những đợt quảng cáo nhắm vào du khách Âu Mỹ thèm khát ánh nắng miền nhiệt đới.
Vào những năm 1980, lớp nghệ sĩ thứ nhì bao gồm các các ca sĩ như Luis Segura (biệt danh là L’Añoñaíto) thành danh nhờ ca khúc Pena Por Ti 1982, cũng như Mélida Rodríguez (La Patiente 1983) hay Leonardo Paniagua (Amada Amante 1985) chủ yếu khai thác dòng nhạc bachata theo chiều hướng này, khi sáng tác ghi âm các bản nhạc dễ nghe dễ hát, nhẹ nhàng tươi mát như cốt dừa non, ngọt thơm giải khát như nước chanh đường.
Trong giai đoạn này, thể điệu bachata bị chi phối bởi nhạc nhẹ và nhạc pop quốc tế, nhiều ca khúc của nhóm Abba hay của thần tượng Madonna được chuyển ngữ sang Tây Ban Nha, rồi ăn khách nhờ các phiên bản hoà âm lại theo điệu merengue và bachata.
Từ những năm 1990 trở đi, thế hệ nghệ sĩ thứ ba như Víctor Víctor, Luis Días và nhất là tác giả kiêm ca sĩ Juan Luis Guerra mới thật sự nâng bachata lên tầm vóc quốc tế. Các nhạc sĩ trau chuốt sáng tác, nhờ vậy mà hợp âm giai điệu trở nên cầu kỳ, ca từ chọn lọc đậm đặc chất thơ, trở nên thâm thúy những vẫn giữ được độ trong sáng, mở ra nhiều chiều trong cách đọc cách hiểu. Trong số này, tác giả Juan Luis Guerra (sinh năm 1957) được xem như là cánh chim đầu đàn.
Xuất thân là một nhạc sĩ chuyên chơi merengue, anh chủ yếu sáng tác cho thể điệu này cũng như viết nhạc bolero và bachata. Tính từ năm 1989 đến nay, anh đã ghi âm 12 album, đoạt 2 giải Grammy và 15 giải Latin Grammy, được giới chuyên nghiệp công nhận là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.
Đĩa hát gắn liền với tên tuổi của Juan Luis Guerra là tập nhạc thứ năm đề tựa Bachata Rosa, tựa đề ca khúc cho ra đời sau đó một trường phái hẳn hoi : mộc mạc chân phương mà vẫn không khuôn sáo. Bachata Rosa phác họa màu hồng nồng thắm sắc hoa, tô nắng lập hạ gió mát chan hoà, khe khẻ thật thà tình tứ thiết tha, hiền hòa duyên hải Dominica.
(nguồn http://www.viet.rfi.fr/)