post

Bocelli hát nhạc phim, từ chuyện tình Lara tới Love Story

bocelli-rfiTuấn Thảo
Cinema là tựa đề album mới của Andrea Bocelli phát hành cuối tháng Mười vừa qua. Để ghi âm album phòng thu thứ 15, danh ca tenor người Ý đã hợp tác trở lại với nhóm sản xuất gồm ba tên tuổi lẫy lừng : David Foster, Humberto Gatica và Tony Renis. Ba gương mặt này từng thực hiện tập nhạc Amore của Andrea Bocelli ăn khách vào năm 2006 với gần 4 triệu bản trên toàn thế giới (gồm cả phiên bản dành cho cả hai thị trường quốc tế và Nam Mỹ).

Nếu như tập nhạc Amore thiên về bộ vựng tập La Tinh, thì lần này, Andrea Bocelli dành trọn một album với chủ đề nhạc phim hầu tôn vinh nghệ thuật thứ bảy (Cinema). Tập nhạc này xen kẽ những bài hát chủ đề trích từ của các tác phẩm điện ảnh kinh điển với những giai điệu ít quen thuộc hơn.

Về các giai điệu nhạc phim thuộc vào hàng nổi tiếng nhất thế giới, về kỷ lục ăn khách cũng như số lượng phiên bản ghi âm, có ca khúc chủ đề của bộ phim Bố Già (The Godfather /do Nino Rota sáng tác vào năm 1972), của Chuyện Tình (Love Story / do Francis Lai viết vào năm 1970) và nhất là nhạc phim Bác sĩ Zhivago (Doctor Zhivago) do nhạc sĩ người Pháp Maurice Jarre sáng tác vào năm 1965 tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ.

Có lẽ cũng vì thế mà Andrea Bocelli đã chọn ghi âm Giai điệu của Lara bằng tiếng Pháp, gần sát với nguyên tác của Maurice Jarre có đoạn chuyển tiếp với tiếng đàn balailaka, nguyên là biểu tượng an lành xuyên suốt bộ phim lịch sử nước Nga trong cái thời loạn lạc nhiễu nhương …..

Còn trong số những giai điệu ít quen thuộc, có ai còn nhớ là bài “Mi mancherai” là ca khúc chủ đề của bộ phim Il Postino của đạo diễn người Anh Michael Radford (The Postman /1994) kể lại tình bạn giữa một anh phát thư với nhà thơ người Chilê Pablo Neruda, trong lúc ông sống lưu vong tại Ý.

Một cách tương tự, khán giả vẫn còn nhớ bộ phim Đời vẫn đẹp (La Vita è Bella – La vie est belle /1997) trước hết là vì phim này từng đoạt ba giải Oscar, trong đó có giải dành cho nhạc phim và tác phẩm ngoại quốc hay nhất, thứ nhì là vì tại liên hoan Cannes, đạo diễn Roberto Benigni đã từng quỳ dưới chân bậc thầy là Martin Scorsese khi anh lên sân khấu nhận giải thưởng của ban giám khảo. Ngược lại, ít ai còn nhớ giai điệu chủ đề bộ phim, bài hát Sorridi Amore e Vai là của tác giả Nicola Piovani.

Tập nhạc Cinema bao gồm tổng cộng 13 ca khúc, cộng thêm ba bài phụ trội dành cho phiên bản deluxe. Trong số này, đa phần là những bài hát khá quen thuộc trải dài trên hơn nửa thế kỷ phim ảnh. Gần đây hơn cả, có phiên bản tiếng Ý (Nelle tue Mani) của bài hát Now We Are Free, do Hans Zimmer sáng tác cho bộ phim Gladiator (phát hành vào năm 2000) của đạo diễn Ridley Scott.

Xưa hơn nữa thì có nhạc phẩm Moon River, ca khúc chủ đề của bộ phim Breakfast at Tiffany’s (1961) với Audrey Hepburn trong vai chính. Tình khúc Moon River do Henry Mancini soạn nhạc, do Johnny Mercer đặt lời từng đoạt giải Grammy vào năm 1962 dành cho ca khúc hay nhất trong năm. Bản nhạc này từng có cả ngàn phiên bản ghi âm khác nhau, nay đến phiên Andrea Bocelli lần đầu tiên ghi âm Moon River trên băng đĩa.

Tuy mang tựa đề Cinema, nhưng thật ra tập nhạc mới của Andrea Bocelli không chỉ bao gồm nhạc phim mà còn mở rộng ra cho các vở ca nhạc kịch trứ danh. Trên số 16 ca khúc ghi âm cho album mới, có đến bốn bài tức là một phần tư, đến từ làng sân khấu nhạc kịch Broadway.

Nhạc phẩm Maria chẳng hạn được trích từ West Side Story, vở ca nhạc kịch của Leonard Bernstein này được dựng lần đầu tiên trên sân khấu vào năm 1957, rồi sau đó mới được chuyển thể thành phim vào năm 1961. The Music Of The Night là bài hát chủ đề của Bóng Ma trong nhà hát (The Phantom Of The Opera), từ vở kịch của Andrew Lloyd Weber năm 1986 phóng tác thành phim vào năm 2004.

Show Boat (của tác giả Jerome Kern) cũng là một vở ca nhạc kịch dựng trên sân khấu Broadway vào năm 1927, mãi tới năm 1951 mới được tái tạo thành phim trên màn ảnh lớn. Còn bài Don’t Cry for me Argentina, ca khúc chủ đề của Evita (của Andrew Lloyd Weber và Tim Rice) được sáng tác vào năm 1976 (Julie Covington là người đầu tiên thể hiện bài này), bài hát sau đó có rất nhiều phiên bản và từng được Madonna ghi âm lại khi vở kịch được chuyển thể thành phim ca nhạc vào năm 1997. Trên album của mình Andrea Bocelli ghi âm lại bài này bằng tiếng Tây Ban Nha (No Llores Por Mi Argentina), dưới dạng song ca với Nicole Scherzinger của nhóm Pussycat Dolls nổi tiếng trước đây.

Ngoài việc triệu mời cựu thành viên của ban nhạc Pussycat Dolls trên nhạc phẩm chủ đề của Evita, Andrea Bocelli lần này còn hát chung với vợ là ca sĩ Veronica Berti nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Top Hat (bài Cheek To Cheek) do Irving Berlin sáng tác và do đạo diễn Mark Sandrich thực hiện vào năm 1935. Giới ghiền xinê vẫn còn nhớ mãi giai điệu này nhờ cái hình ảnh của hai ngôi sao màn bạc Ginger Rogers và Fred Astaire trong điệu vũ bước đôi trên cả tuyệt vời, chuyển từ làn điệu valse thướt tha sang đoạn phóng tác với bước nhảy thiết hài nhanh nhẹn mà vẫn nhẹ nhàng đến nổi người xem có cảm tưởng cả hai diễn viên múa này đang đi mây cưỡi gió.

Nhưng đáng nhạc nhiên hơn cả có lẽ là bài E Più Ti Penso, do Andrea Bocelli song ca với Ariana Grande. Đây là nhạc chủ đề của bộ phim Once Upon a Time in America, tác phẩm điện ảnh cuối cùng của đạo diễn người Ý Sergio Leone, còn Ennio Morricone là người đã soạn nhạc cho toàn bộ phim vào năm 1984.

Ariana Grande nổi tiếng là một trong những thần tượng của giới thiếu niên, cô chủ yếu hát nhạc pop, nhưng lần này cô lại hoà giọng với Andrea Bocelli mà vẫn không bị lép vế nhờ chất giọng đầy nội lực và kỹ thuật luyện thanh giúp cho cô đạt tới những nốt cao nhất mà vẫn không đuối hơi. Nội lực của Andrea Bocelli không còn cần phải chứng minh, nhưng lối diễn đạt rất khác của Ariana Grande với những gì cô thường hát mới thật sự gây thích thú bất ngờ …

Ghi âm với dàn nhạc giao hưởng Metropolitan Opera thành phố New York, dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Eugene Kohn, Andrea Bocelli tuy không thay đổi cách diễn đạt nhưng lại biết tận dụng lối hoà âm phản cung thường là trong trong các đoạn mở đầu hay chuyển tiếp hầu tạo ra những bản phối khác lạ sâu sắc với những giai điệu quá đỗi quen thuộc, tới mức nhàm chán.

Trên album này, Andrea Bocelli ghi âm bằng năm thứ tiếng, kể cả ngôn ngữ của Shakespeare (tiếng Anh), của Molière (tiếng Pháp) hay của Cervantes (tiếng Tây Ban Nha), nhưng không có gì mượt mà thiết tha bằng giọng ca của Andrea Bocelli khi anh diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Ý, ngôn ngữ của Dante). Ngoài sở trường hát nhạc bán cổ điển, ưu thế mạnh nhất của Andrea Bocelli vẫn là âm sắc trầm ấm của ngôn ngữ Địa Trung Hải trong cách luyến láy đày đặn, nhã chữ phát âm.

Đó là trường hợp của bản tango Por Una Cabeza (nguyên tác của Carlos Gardel) minh họa cho bộ phim Scent of a Woman /1992 (Mùi hương của một người đàn bà) với Al Pacino trong vai viên sĩ quan mù loà, bộ phim này là một phiên bản phóng tác của Profumo di Donna của đạo diễn Dino Risi vào năm 1974 từng đoạt giải diễn xuất tại Cannes và giải César dành cho phim nước ngoài.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà giai điệu chủ đề bộ phim Chuyện Tình Love Story tuy nổi tiếng khắp thế giới nhờ phiên bản tiếng Anh Where Do I Begin, nhưng lần này lại được ghi âm bằng tiếng Tây Ban Nha thành Historia de Amor (Chuyện Tình). Cũng như bài Besame Mucho ghi âm vào năm 2006 cho tập nhạc Amore, Andrea Bocelli một lần nữa đã phóng tác chuyển thể bài Love Story sang điệu bossa nova.

Đó là cái cách để cho Andrea Bocelli gửi gấm vào trong giai điệu những nét biểu cảm trữ tình, cái chất xúc tác La Tinh. Danh ca tenor người Ý mở ra trong ký ức những đoạn phim, nơi chân trời còn giữ lại bao nỗi lưu luyến. Tình sử đoản thiên thuở nào nay thành kỷ niệm trường niên.