Các đô thị hiện đại phải đối mặt với một kẻ thù đáng sợ : bụi siêu nhỏ, chủ yếu do xe cộ hay các hoạt động sản xuất thải ra. Mắt cay, nước mũi chảy, cổ họng khó chịu là những tác động dễ thấy. Tác hại của bụi siêu nhỏ đối với hệ thống hô hấp hay tim mạch của con người là điều dễ hiểu và được đông đảo công chúng biết đến. Tuy nhiên, bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra các rối loạn về tâm lý. Đây là thông tin từ một nghiên cứu công phu trên quy mô lớn, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Anh “British Medical Journal” (BMI), ngày 24/03/2015. Các thông tin trên đây được dẫn lại từ báo Le Monde, ngày 26/03/2015.
Trong thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu thực nghiệm nêu ra khả năng bụi siêu nhỏ một khi xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn, thông qua con đường hô hấp, có thể gây ra viêm tế bào não. Song đây là lần đầu tiên một cuộc điều tra quy mô lớn làm rõ được mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tâm trạng lo âu. Các tác giả của công trình này nêu ra khả năng ô nhiễm không khí do các hạt bụi siêu nhỏ có thể gây ra chứng lo âu, theo một cơ chế hoàn toàn mang tính sinh hóa học.
Tác giả công trình là các nhóm nghiên cứu hai đại học Johns-Hopkins (Baltimore, Maryland) và Harvard (Cambridge, Massachussetts) Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu về hơn 70.000 y tá Mỹ, được theo dõi sức khỏe đều đặn kể từ năm 1976. Trong số các bảng hỏi có các câu như : “Liệu quý vị có một tâm trạng lo âu mà không rõ nguyên nhân ?” hay “Quý vị có lưỡng lự khi phải đi ra ngoài một mình ?” Hoặc “bị ảm ánh bởi một căn bệnh không có cách chữa ?” Hay “có lo lắng khi người thân về muộn ?“…
Đồng thời, các nhà nghiên cứu xác định nơi ở cụ thể của những người tham gia cuộc điều tra. Tiếp theo đó, họ tra cứu tư liệu về số lượng các hạt bụi siêu nhỏ PM10 và PM2,5 và những điều kiện thời tiết vào thời điểm tương ứng tại những nơi sinh sống của mỗi người, để đánh giá được mức độ nhiễm bụi đối với từng cá nhân.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đối chiếu những ghi nhận về tâm trạng với mức độ nhiễm bụi. Kết quả cho thấy mức độ lo âu của các y tá tham gia nghiên cứu này tỷ lệ thuận với mức độ tiếp xúc với bụi siêu nhỏ có kích cỡ PM2,5, trong thời gian của tháng trước khi trả lời bảng hỏi. Ngược lại, mức độ nhiễm bụi trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng trước khi trả lời, không có tác động gì đến mức độ lo âu. Hiệu ứng của việc tiếp xúc với bụi như vậy rõ ràng mang tính ngắn hạn. Điều đáng chú ý khác là không có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy loại bụi kích cỡ PM10 tác động đến tâm trạng (lo âu).
Dù sao, các tác giả cũng rất thận trọng với kết quả này, và kêu gọi có thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định thật rõ mối liên hệ giữa bụi siêu nhỏ PM2,5 với tâm trạng con người.
Theo ông Michael Brauer, giáo sư về y tế công đại học British Columbia (Canada), các phát hiện nói trên đã góp thêm vào số lượng các nghiên cứu ngày càng nhiều, về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe tinh thần.
Một bài báo khác trong số tạp chí nói trên cho thấy ô nhiễm đường xá và hàm lượng các loại bụi siêu nhỏ tỷ lệ thuận với mức độ nhập viện do tai biến mạch máu não. 108 nghiên cứu tại 28 quốc gia do các nhà khoa học Scotland tiến hành, cho thấy không khí tại các nước nghèo và có thu nhập trung bình bị ô nhiễm hơn tại các nước phát triển.