post

Chuyện An Ninh Cho Tổng Thống Hoa Kỳ

– Nguyễn Văn Khanh – 2013-12-11south_africa_obama_mandela

Thông thường, chuyến đi ra nước ngoài của Tổng Thống Hoa Kỳ bao giờ cũng được định trước nhiều tháng trời để các nhân viên an ninh có thì giờ thu xếp mội chuyện, nhưng mọi thủ tục dành cho chuyến đi Nam Phi mà Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama mới thực hiện hôm thứ Ba tuần này chỉ được thực hiện trong vòng 72 giờ đồng hồ, trở thành một trong những chuyến công du của vị nguyên thủ nước Mỹ “ngắn nhất” và  “vất vả nhất”. Ngắn vì phái đoàn Hoa Kỳ có mặt ở Johannesburg chỉ vài giờ đồng hồ, vất vả vì nhân viên an ninh và quân sự Mỹ quá có ít thời giờ để lo chuyện đại sự: bảo vệ an ninh cho Tổng Thống.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chính phủ Nam Phi báo tin Tổng Thống Nelson Mandela từ trần, đoàn nhân viên an ninh (Secret Service) và toán sĩ quan đại diện cho Bộ Quốc Phòng (military personnel) đáp phi cơ rời Washington D.C. sang Nam Phi, bắt tay làm việc với toán đặc trách an ninh của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở thù đô Pretoria cùng với một toán đặc biệt được gửi từ Rome sang. Theo Tòa Bạch Ốc, những nhân viên Mỹ ờ Nam Phi và Âu Châu “đã làm việc với chính phủ Nam Phi từ nhiều tháng trước, lúc ông Mandela còn đang nằm trong nhà thương và tình trạng sức khỏe của ông được báo là rất nguy kịch”. Lý do phải làm việc thật sớm: ai cũng đoán nếu ông Mandela từ trần, thế nào Tổng Thống Obama và Đệ Nhất Phu Nhân Michele sẽ hướng dẫn phái đoàn đại diện Hoa Kỳ sang dự tang lễ.

Đoàn nhân viên đặc trách an ninh cho tổng thống cũng biết dù có làm việc chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, chuyện trông chờ vào nước chủ nhà là điều đừng nghĩ tới “vì chính phủ Nam Phi phải lo đón cả trăm phái đoàn đại diện cho các nước tới dự tang lễ hoặc lễ tường niệm, chứ không phải chi đón có mỗi mình ông Obama”, theo lời ông Dan Rosenthal, người từng nhận lãnh trách nhiệm thu xếp mọi chuyện cho Tổng Thống Bill Clinton trong những chuyến công du nước ngoài. Ông Rosenthal nói thêm “chương trình tang lễ được quyết định bởi nước chủ nhà, do đó nhân viên Hoa Kỳ chỉ có một thời gian thật ngắn để lo những chuyện mà thông thường, họ có tới hàng tháng để thu xếp”.

Trong thời gian ngắn đó, họ phải lo chỗ đậu cho chiếc Air Force One (có cả dàn lính Thủy Quân Lục Chiến và nhân viên an ninh dân sự đứng gác chung quanh chiếc máy bay), dàn xe chở Tổng Thống và các viên chức tháp tùng, đoạn đường phái đoàn Tổng Thống sẽ đi qua, chưa kể đến việc phải kiếm khách sạn cho Tổng Thống và phái đoàn (hay toán nhân viên tiền trạm) nghỉ qua đêm v.v… Điều đáng biết: mỗi chuyến đi công du của Tổng Thống Hoa Kỳ đều có chừng 100 người từ Washington D.C đi theo, chưa kể đoàn tiền trạm, phái đoàn báo chí và những nhân viên địa phương, và mọi chú ý đều được dành cho phái đoàn đến từ Mỹ.

Buổi lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Nelson Mandela được tổ chức ở sân vận động quốc gia Johannesburg chưa được 94,000 người, chỉ điều đó không thôi đã đủ khiến cho các viên chức đặc trách an ninh của ông nhức đầu. Mỗi khi Tổng Thống xuất hiện ở một sân vận động tại Mỹ, nhân viên an ninh dựng cả một hàng rào kiểm soát, những người ra vào đều phải đi qua dàn máy dò võ khí (metal detectors) nhưng ở Nam Phi, chính phủ Hoa Kỳ không thể yêu cầu nước chủ nhà cũng phải theo điều kiện đó. Điều duy nhất phía Mỹ có thể đề nghị là nước chủ nhà dựng một khán đài riêng danh cho các quan khách, và Tổng Thống Obama cũng như các vị nguyên thủ những nước khác sẽ ngồi đằng sau một dàn kính chống đạn. Bên cạnh đó, chuyện “vì lý do an ninh nên Tổng Thống Mỹ là nhân vật đến cuồi cùng cũng là điều rất thường xảy ra và các nước chủ nhà đều hiểu điều đó”, theo lời của ông George Gigicos, nhân vật từng nhiều năm trời giữ trách nhiệm trưởng đoàn tiền trạm cho Tổng Thống George W. Bush.

Ông Ed Donovan, phát ngôn viên của Sở An Ninh Mật Vụ Hoa Kỳ (Secret Service) từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến những điều phải làm để bảo vệ an ninh cho Tổng Thống Obama đi Nam Phi, nhưng ông cho hay “chúng tôi thường xuyên phải làm những chuyện này trong một thời gian thật ngắn”, thí dụ như “Tổng Thống hay Phó Tổng Thống đi dự đám táng thì chúng rôi chỉ được báo trước có một vài ngày”. Điều ông có thể nói là “chính phủ Nam Phi và đoàn tiền trạm Hoa Kỳ làm việc rất chặt chẽ với nhau, vì cả 2 bên đều muốn mọi chuyện từ đầu đến cuối phải thật suông sẻ”.

Những chuyến công du bất kể ngắn dài của Tổng Thống Mỹ luôn luôn khiến toán nhân viên an ninh phải nhức đầu. Hồi 1999, Tổng Thống Clinton sang Rabat, Ma-Rốc dự tang lễ Cố Quốc Vương Hassan II, và cả một rừng người bất ngờ xông vào đoàn xe tang khiến cho các nhân viên đứng sát ông e ngại xáo trộn có thể xảy ra, lúc đó không biết phải giải quyết như thế nào. Quyết định nhanh chóng được đưa ra: toán đi sát với Tổng Thống vẫn giữ nguyên vị trí, toán đứng canh gác dọc đường tức khắc được gọi tăng cường. May mắn, “mọi chuyện sau đó đều ổn thỏa, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi về lại khách sạn”, theo lời kể của ông Rosenthal.

Ngoài những chuyện bất ngờ không thể định trước, toán nhân viên đặc trách an ninh cho Tổng Thống Hoa Kỳ còn phải thi hành những luật lệ của nước chủ nhà, thí dụ như luật của Australia quy định phái đoàn của nước nào khi đến nước Úc “đều phải nộp tất cả võ khi mang theo” sau đó “mua và sử dụng súng của Úc”. Một cựu thành viên tiền trạm cho Tổng Thống George W. Bush là ông Matt Borges kể lại “đây là chuyện nhức đầu nhất” vì tất cả các nhân viên an ninh “đều quen sử dụng súng của họ, chẳng ai có thì giờ tập làm quen với khẩu súng mới”.

Ngoài những chuyện đó ra, nhân viên Tòa Bạch Ốc còn phải tính toán đến chỗ ngồi cho những người tháp tùng tổng thống, đặc biệt trong chuyến đi Nam Phi có ông bà George W. Bush và bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton. Một viên chức Tòa Bạch Ốc cho hay “trên chiếc Air Force One chỉ có một chiếc giường dành cho Tổng Thống và phu nhân”, tất cả những người còn lại đều phải ngồi ghế -cho dù là ghế thuộc loại first-class-. Trong chuyến đi vừa rồi, ông bà “W” và bà Clinton dược xếp ngồi ở khoang dành cho các cố vấn cao cấp, tức ở khoang nằm ngay sát khoang dành riêng cho tổng thống. Ngoài ra theo chỉ thị của Tổng Thống Obama, 3 vị khách quý này được ưu tiên sử dụng phòng họp trên phi cơ để nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn báo chí. Có hai chuyện liên quan đến những chuyến công du của tổng thống Hoa Kỳ thường được nhắc đến. Chuyện thứ nhất là hồi 1995 khi Tổng Thống Clitnon sang Israel dự đám táng Cố Thủ Tướng Yitzhak Rabin, một thành viên trong phái đoàn là ông Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich than thở bị xếp ngồi khoang gần cuối chung với các nhân viên hạng thấp, đối diện với chỗ được dành cho báo chí. Chuyện này được chính ông Gingrich bực bội nhắc lại với mọi người khi ông quyết định không thông qua ngân sách, buộc chính phủ liên bang phải đóng cửa.

Chuyện thứ nhì liên quan đến chuyến ghé Ai Cập của Phó Tổng Thống Dick Cheney hồi 2006. Hôm đó, đơn vị quân sự Ai Cập bất ngờ đòi lãnh trách nhiệm bào vệ an ninh cho ông Cheney, muốn đưa đoàn xe quân đội đi ngay sau chiếc xe chở Phó Tổng Thống Mỹ. Ông Borges kể lại “đoàn xe vừa rời khỏi phi trường Cairo thì các chiếc xe của quân đội Ai Cập vượt lên trên. Tôi nhớ mãi hình ảnh nhân viên đặc trách an ninh cho ông Cheney móc súng ra, sẵn sàng bóp cò, không cho toán binh sĩ nước bạn làm chuyện đó. May quá, cuối cùng không có chuyện gì xảy ra”.