post

Đông Nam Á không thể vô tâm với thuyền nhân Rohingya

rohingya-hanh-trinh-toi-tu-doLTS: Hành trình gian khổ đến bờ tự do…  Anh Chị còn nhớ chăng?

Tú Anh RFI

Từ nhiều tuần qua, hàng ngàn thuyền nhân tỵ nạn, đại đa số là sắc dân thiểu số Rohingya, theo đạo Hồi ở Miến Điện trôi dạt trong vùng biển Andaman, tìm đường đến Thái lan, Malaysia và Indonesia xin tỵ nạn. Đông Nam Á, sau nhiều năm vô cảm, bắt đầu tỏ ra « thông hiểu » thảm nạn của sắc dân thiểu số được Liên Hiệp Quốc xem là nạn nhân bị phân biệt đối xử nghiêm trọng nhất thế giới.

Vấn đề là tình trạng bạo lực , chính sách kỳ thị chủng tộc, nguyên nhân của thảm nạn Rohingya có cơ may chấm dứt hay không ? Liên Hiệp Quốc tố cáo một « thảm họa con người », Philippnes tuyên bố sẵn sàng tiếp đón thuyền nhân Rohingya Miến Điện như đã cưu mang 400.000 thuyền nhân Việt Nam sau năm 1975.

Đối lập Miến Điện, ngày 19/05/2015 lần đầu tiên kêu gọi chính phủ phải đối xử với cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya như những con người, như một bộ phận của dân tộc thay vì xem họ như một loại cặn bã. Cùng lúc đó, bộ trưởng thông tin của Miến Điện tuyên bố với phóng viên quốc tế tại Rangun là chính phủ của ông « thông hiểu » mối quan ngại của quốc tế.

Ngày hôm qua 20/05/2015, sau nhiều tuần lễ xua đuổi thuyền nhân gây bất bình trong công luận quốc tế và tại nhiều nước Đông Nam Á, ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia, điểm đến của người vượt biển đã quyết định thay đổi thái độ. Ngày hôm trước, chính phủ ba quốc gia này và chính phủ Úc vẫn còn khẳng định không tiếp đón một ai.

Bất chấp chính sách cứng rắn của nhà nước, ngư dân Indonesia đã ít nhất hai lần dùng thuyền đánh cá cứu vớt tổng cộng 1.200 thuyền nhân bị trôi dạt vào bờ. Người Rohingya vượt biển đã được nghi nhận từ gần 10 năm trước nhưng thảm nạn chỉ bùng phát từ khi Thái Lan, sau khi quân đội cầm quyền, đã gia tăng biện pháp kiểm soát di dân nhập cư và bài trừ các đường dây buôn người.

Nhưng căn nguyên của vấn đề vẫn là chính sách phân biệt đối xử của chính quyền Miến Điện và tình trạng kỳ thị chủng tộc và tôn giáo mà một bộ phận dân chúng Miến Điện và tu sĩ Phật giáo mà đứng đầu là hòa thượng Wirathu rất ghét đạo Hồi. Vị sư này từng tuyên bố với một phóng viên Pháp vào năm 2013 : “tôi nghĩ rằng những người hồi giáo này là mối đe dọa cho Miến Điện và đạo Phật“.

Theo người Rohingya và các tổ chức nhân quyền, sư Wirathu là một tu sĩ cực đoan, qua những bài thuyết pháp gây hận thù và được mạng xã hội « tiếp vận », khuyến khích Phật tử hạ sát người Hồi. Trong khi đó, Tổng thống Thein Sein, trong chuyến viếng thăm nước Pháp vào tháng 7 năm 2013 , khen ngợi sư Wirathu là người tu hành chân chính.

Theo nhận định của báo mạng Mediapart của Pháp, tuy là bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể sản sinh ra phần tử cực đoan nhưng bạo lực chống người Hồi giáo tại Miến Điện nhân danh bảo vệ đạo Phật đang là mối hiểm nguy lớn cho đất nước tự cho là đang dân chủ hóa.

Vấn đề đặt ra là vì sao sắc tộc Rohingya bị đàn áp từ hằng chục năm nay mà không một thành viên nào của ASEAN, kể cả hai nước có tín đồ đạo Hồi đông đảo là Malaysia và Indonesia lên tiếng phản đối hay can thiệp ?. Vì sao quốc tế ít chú ý đến thuyền nhân Rohingya như đã quan tâm đến thyền nhân Việt Nam 1975 ?

RFI đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney :

« Rohingya không phải là người Miến Điện theo lối nghĩ chính mạch. Họ là sắc dân thiểu số theo đạo Hồi tại một quốc gia có thể xem là quốc gia Phật giáo. Do đó họ bị bạc đãi, thậm chí bị đưa vào những khu vực riêng nhưng bị bỏ quên không đưa vào trong kiểm tra dân số, họ bị cảnh sát hành hạ đánh đập. Nguyên nhân sâu xa khiến họ vượt biển là chính sách vô nhân đạo của chính quyền Miến Điện..

Vấn đề thứ hai là ASEAN, vì nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nên không một thành viên nào lên tiếng phản đối.… phải phá vỡ nguyên tắc này, khuyến khích chính quyền Miến Điện sửa đổi chính sách đối với sắc tộc Rohingya thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề …. »

Theo http://vi.rfi.fr/

(Recalling Vietnamese Journey to Freedom)