Tản Mạn 3 điều 4 chuyện về
DƯA HẤU
Theo B.S Lê văn Lân
Hôm nay, chúng ta nói về quã dưa hấu là một trái cây đặc thù cho ngày Xuân nhé! Đối với dân miền Nam, Tết không thể thiếu dưa hấu trong nhà, vừa để chưng bàn thờ, vừa xẽ ra mà bói đầu năm cùng là đãi khách. Dưa hấu đã trở thành một biểu tượng cho Tết dân tộc miền Nam cư ngụ gần vòng đai nhiệt đới, đi đôi với cành hoa mai vàng như hình vẽ trên những cánh thiệp xuân.
Quả dưa hấu đầu tiên vào ngày mồng một Tết là một dấu hiệu trịnh trọng của phong tục bói tóan đầu năm như xin xăm, coi giò gà, coi bói tuồng… Dưa xẻ càng đỏ bao nhiêu thì trong năm sẽ hên, thịnh vượng
Tại sao nói càng đỏ càng hên. Tại sao dân Á Đông nói chung thích chọn màu đỏ làm màu của Tết và của sự khai mở, đầu tiên , màu của doanh lợi may mắn như bao lì xì, cúng xôi gấc, trứng nhuộm đò , heo quay đỏ, câu đối điều.
Mầu đỏ theo thang sắc độ có nhiều thứ đỏ từ nhạt đến đậm hoặc tương ứng với sụ vật như đỏ tiết, đỏ bầm, đỏ hồng … cũng như nói theo chữ Nho là những chữ là Xích, là Chu, là Hồng.
Nhưng tựu trung có chữ Hồng là mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng vì Hồng荭 là sắc đỏ tươi và cũng đồng nghĩa với Hồng 洪là to lớn như hồng phúc, là dồi dào như hồng thủy.
Riêng về trái dưa hấu, thì chữ “hấu” là tiếng “hảo” đọc trại ra từ âm Tầu Quảng đông như nói : hẩu xực là ăn ngon! Còn về mầu sắc thì dưa hấu qui tụ bao nhiêu biểu tượng trong óc người bình dân:
_ da dưa màu xanh 青là thanh xuân; – cùi dưa trắng 白là tinh bạch; – ruột dưa đỏ 荭, 洪 là hồng thịnh; – hột dưa đen huyền 玄là con cháu đông đúc như nói huyển tử, huyền tôn, cháu chắt nhiều đời .
Bây giờ đầu chúng ta hãy nhắc lại sự tích trái dưa hấu cũng như trở về nguồn gốc xa xưa của thứ trái cây này. Nước Giao chỉ ta- dựa theo sách Lĩnh Nam Chích Quái- đã bắt đầu trồng dưa hấu từ đời Hùng Vương thứ 17 ( khoảng 400 năm trước Công Nguyên) qua chuyện chàng An Tiêm giỏi giắn năng động vốn là một người ngoại lai thuộc giống Mã lai hay Nam dương gì đó được vua thương yêu nuôi làm con nuôi. Nhưng chàng An Tiêm lại bị vua đầy ra hoang đảo vì tính khí kiêu căng nói nghịch ý với nhà vua: theo An Tiêm những của cải là vật tiền thân, chứ không phải là do ơn vua lộc nước. Vì vậy chủ ý của vua là thử xem An Tiêm sống ở ngòai hoang đảo phải tự lực cánh sinh, xem của cải do đâu mà ra! An tiêm không sờn lòng và nói với vợ là Việt Nga rằng:
“ Trời đã sinh thì trời phải duỡng, chớ lo”
Chẳng bao lâu, vào cuối xuân đầu hè, thì có một con bạch hạc từ phương Tây bay lại kêu lên ba tiếng rồi nhả một số hạt dưa trên cát để về sau trở thành một ruộng dưa. Vợ chồng An Tiêm ăn thấy ngon, ngọt rồi đặt tên là Tây Qua vì nó là dưa từ hướng Tây đem lại. Họ còn dùng dưa này trao đổi với các thuyền buôn để lấy gạo mà nuôi vợ con, cuộc sống rất thịnh vương. Vua Hùng nghe tiếng bèn tha thứ và cho đón về làm quan.
Câu chuyện của An Tiêm nghe lý thú như chuyện chàng Robinson ngòai hoang đảo đã tự kiếm cách sinh tồn nhỉ. Vùng đảo hoang của An Tiêm sinh sống sau được đặt tên là Qua Châu và vì phù sa bồi lấp nên nay nằm trên đất liền thuộc huyện Nga Sơn , tỉnh Thanh Hóa, có đền thờ vợ chồng An Tiêm, lễ giỗ hàng năm vào ngày mồng 3 tháng 8 âm lịch.
Theo học giả Thái văn Kiểm, ở vùng Nha trang, về phía Tây Nam thành phố có dẫy núi Đồng Bò, xưa kia là những hòn đảo ngòai biển bị phù sa sông Cái bồi lấp nay trở thành những ruộng dưa do cứt chim thiên di tạo ra tựa , thành ra biển xanh ở đây không biến thành nương dâu mà trở thành ruộng dưa đó ( thương hải biến vi qua điền).
Tiến xa về phía nam, ta còn có đảo Côn sơn mà bàn đồ ghi là Pulo Condor. Pulo tiếng Mã lai là hòn đảo cũng giống tiếng Chàm Knor cũng là đão, thành ra đọc trại thành Cù Lao trong tiếng Việt.
Còn Condor theo ông Hồ Hữu Tường là chim đại bàng bay qua và đậu lại, cũng giống lòai chim tổ tông Lạc Việt thiên di, nhưng học giả Thái văn Kiểm chất chính Condor là do chữ Kondur trong tiếng Mã Lai có nghĩa là bầu bí, do cứt những lòai chim thiên di ở nơi khác mà mọc nên. Do đó, trên bản đồ, tên Pulo Condor được dịch là Iles aux Courges và vùng biển gọi là Mer aux Calebasses.
Tên của dưa hấu là Tây qua thật rất đúng, vì nguồn gốc dưa hấu đầu tiên của nhân lọai ở vùng nhiệt đới Phi Châu và Đông Ấn Độ, sau tràn ra Ai Cập, Nam Âu châu và Á Đông.
Dưa hấu là trái trời sanh ra cho dân xứ nóng giải khát. Ở các nơi trên thì dưa thâu họach vào tháng 5 đến tháng 11 tương đương với mùa nắng, còn miền Nam nước Việt, dưa rộ vào tháng 12 đến tháng 3-4 là mùa khô khát của ta.
Dưa hấu có tên latinh là Citrullus lanatus ( Thurb. Matsumura, Nakai), chiếu theo các nghiên cứu di truyền học mới, có nguồn gốc di truyền chánh ở Nam và Trung châu Phi. Ở các vùng này, có nhiều lọai dưa hấu trồng lấy hột ăn như hột dưa hấu các giống Phan thiết hiện nay và cũng có nhiều lọai hoang Citrullus lanata trông cho súc vật ăn nữa. Vùng Phan thiết có nhiều trảng cát và nóng bức nên thích hợp cho sự trồng dưa hấu.
Còn lọai dưa dấu không có hột là nhờ người ta đã dưa trên tính cách di truyền gọi là “đa nhiễm thể” (polyploidy) của dưa hấu trong ngành canh nông. Ở tại Hoa kỳ, và sau này ở Trung quốc, Đài Loan và Nhật bản, người ta áp dụng tính cách này cho lai (crossing) dưa hấu nhị nhiễm ( 2 n) với lọai dưa hấu tứ nhiễm (4 n) để làm ra dưa hấu tam nhiễm (3 n) không có hột. Vì hột trong trái dưa hấu tam nhiễm bị lép và teo lại.
Phương pháp triệt sản đực ở dưa hấu giúp cho tạo các giống lai không có hột hay có hột nhưng ngọt hơn, năng suất rất cao ngày nay ở khắp thế giới.
Dược tính ích lợi do dưa hấu mang lại?
Dân Á Đông (Việt và Tàu) ăn dưa hấu để giải nhiệt, giải khát và lợi tiểu. Dưa có thể dùng trị bón, lờ miệng, đau hầu, vàng da, viêm bàng quang, viêm thận. Đặc biệt nước dưa hấu ép ra uống làm tỉnh rượu. Nếu bị chứng mẩm da hồng đơn (erisipela), dùng thoa ngòai ra cũng tốt. Ở Trung quốc, người ta dùng nước dưa hấu chín lên men trong vài tháng rồi lọc kỹ để thấm vào gạt đắp lên những vết phỏng ngày nhiều lần, phỏng độ 3 thì sẽ lành trong hai tuần.
Cũng giống trái bầu, trái khổ qua, dưa hấu trị được bị đái đường vì những thứ trên tuy không gây ra sự tiết Insulin nhưng lại làm gia tăng sự sử dụng các chất đường Cacbohydrates.
Một điều mà dân ta và tàu quen làm trong dịp Tết là cắn hột dưa; ngoài sự làm vui miệng và làm đỏ môi thì còn ích lợi gì khác chăng? Tết đến, người bán từng bao bố đựng hạt dưa ở các chợ cung cấp cho thói cắn hạt dưa ngày xuân.
Đối với dân Tàu thì hột dưa hấu phối hợp với hạt bí ngô, hột bầu, hột dưa chuột là bốn lọai hột cây có tính mát rất tốt qua cái tên Tứ Đại Lương Tử dùng trị sán lãi. Viện Dược Thảo Thựợng Hải thấy chất Curcubitacine là lọai amino acid trong các hột dưa trên có hiệu lực giết nhiều ký sinh trùng đường ruột như sán sơ mít, sán schistosoma mà không gây phó tác dụng.
Ăn hạt dưa thì vui miệng, bùi bùi béo béo rất bắt nhây nhưng nên tránh ăn những hạt để lâu bị khét dầu, mát cồ đâu không thấy mà chỉ làm khé cổ bắt ho vì có hại cho niêm mạc ở cuống hầu..
Ba điều bốn chuyện đầu năm về dưa hấu cũng đã hết giờ rồi. Chúng ta xin chào tạm biệt quí thính giả bốn phương và thân kính chúc một Năm đầy hồng phúc như ruột trái dưa hấu xẻ đầy năm.
o O o