Thu Hằng RFI
Gần bẩy năm sau khi Nông-cổ mín-đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên, ra đời, tại Nam Kỳ có thêm một tờ báo mới, Lục-tỉnh tân-văn. Đây là một tờ tuần báo được Pierre-Jeantet Sombsthay thành lập ngày 16/08/1907 và phát hành số đầu tiên ngày 14/11/1907. Thư viện Quốc gia Pháp lưu trữ bắt đầu từ số 4, ra ngày 05/12/1907, của tờ báo này, cho tới các số cuối phát hành vào tháng 09/1944.
Tới cuối tháng 12/1909, tờ công báo bằng chữ quốc ngữ Gia-định báo ra số cuối cùng và bị đình bản vĩnh viễn (sắc lệnh ngày 21/11/1909). Công việc in ấn và phát hành Gia-định báo rất tốn kém cho ngân sách của chính quyền thuộc địa Nam Kỳ. Kể từ khi Nhà in Thuộc địa (Imprimerie coloniale) chính thức bị đóng cửa sáu năm trước đó theo sắc lệnh ngày 14/06/1904, thì mọi công việc in ấn được giao lại cho lĩnh vực tư nhân. Hơn nữa, do ngân sách hạn hẹp hơn, nên trong giai đoạn này, chính quyền thuộc địa Pháp buộc phải ngừng cấp miễn phí rất nhiều đầu báo cho các địa phương, cơ sở hành chính nhà nước hay công chức cao cấp người Pháp.
Chưa đầy hai năm sau khi thành lập, người đứng đầu ngành in ấn-xuất bản thời đó tại Đông Dương, François-Henri Schneider, đã mua lại tờ báo Lục-tỉnh tân văn vào tháng 05/1909. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một thoả thuận ngầm giữa hai bên ? Vì ngay cuối năm đó, Gia-định báo, tờ công báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, bị đình bản vĩnh viễn, Lục-tỉnh tân-văn tiếp tục chức năng công báo của tờ Gia-định báo.
François-Henri Schneider là ai ?
Lục-tỉnh tân-văn không phải là tờ báo đầu tiên do François-Henri Schneider xuất bản tại Đông Dương. Và Schneider cũng không phải là khuôn mặt xa lạ với chính quyền thuộc địa.
Ông tới Nam Kỳ vào khoảng tháng 08/1882 theo hợp đồng ký ba năm với Hải quân Pháp mà ông hình dung sẽ là một quãng thời gian dài đày ải. Chính Schneider cũng không nghĩ sẽ ở lại mảnh đất vùng Viễn Đông lâu đến như vậy. Cho tới khi nghỉ hưu trở về Pháp, vào đầu những năm 1920, ông đã sống và làm việc tại Đông Dương gần 40 năm.
Sau hơn một năm làm việc tại Nhà in Chính phủ (Imprimerie du Gouvernement), ông bị thuyên chuyển theo nhà in này ra Hà Nội để thành lập một nhà in mới vào cuối năm 1883, mang tên Nhà in Bảo hộ (Imprimerie du Protectorat). Hai năm sau, theo lời khuyên của chính quyền bảo hộ, Schneider xin thôi việc để ra mở nhà in thương mại riêng của mình và cũng là nhà in tư nhân đầu tiên ở Bắc Kỳ. Sự hợp tác này đặt ra câu hỏi về thoả thuận lợi ích giữa chính quyền và lĩnh vực tư nhân, cũng như chế độ đặc quyền ưu đãi đối với một số cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân. Vì, chỉ hai năm sau khi khánh thành nhà in riêng của mình, Schneider mua lại Nhà in Bảo hộ với toàn bộ máy móc, cũng như phông chữ Hán vào năm 1886, với một giá khá hời 14.000 franc Pháp và được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi khác, như thầu toàn bộ việc in ấn giấy tờ và công báo của chính phủ, những công việc mà Nhà in Bảo hộ đảm nhiệm trước đây. Cơ sở mới mở rộng của ông mang tên Nhà in typo F.-H. Schneider (Imprimerie typographique de F. H. Schneider).
Chưa chắc hợp đồng chuyển nhượng này có thể đã được thực hiện nếu như Toàn quyền Đông Dương, Paul Bert, không đột ngột qua đời vào năm 1886. Ông ấp ủ dự án xuất bản một tờ công báo bằng chữ Hán tại Bắc Kỳ, nơi truyền thống Trung Hoa vẫn còn giữ ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống người dân, đồng thời giao cho Hàn lâm viện Bắc Kỳ (thành lập ngày 03/07/1886) dịch sang chữ quốc ngữ nhằm phổ biến loại chữ viết mới này. Chính vì mục đích trên, ông Paul Bert cử Trưởng ban Tài chính sang Thượng Hải để nghiên cứu công việc in ấn một tờ báo bằng chữ Hán. Sau khi ông qua đời, dự án này bị ngừng lại cho tới khi Jean-Marie de Lanessan, một người khá thân với Schneider, sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.
Với một bản thoả thuận miệng với Toàn quyền de Lanessan, François-Henri Schneider cho xuất bản tờ công báo bằng chữ Hán đầu tiên tại Bắc Kỳ, tờ Đại-nam đồng-văn nhật-báo (cuối 1891-31/12/1907), để đăng các tin tức và bài viết do Phòng Sự vụ địa phương soạn thảo. Hợp đồng độc quyền của Schneider với chính quyền thuộc địa kéo dài tới năm 1905, khi một chủ nhà in khác yêu cầu đấu giá công việc xuất bản tờ công báo. Ernest Babut, chủ tờ báo Đại-Việt tân-báo (05/05/1905-25/05/1908), là người duy nhất giành được hợp đồng phát hành công báo từ tay Schneider. Đồng thời, cứ ba năm một lần, chính quyền thuộc địa buộc phải đưa ra đấu giá công việc in ấn công báo. Tuy nhiên, công việc trên chỉ mang tính hình thức và thủ tục vì với mối quan hệ mật thiết với chính quyền và trang thiết bị cơ sở mà Schneider có, ông dễ dàng vượt qua được các đối thủ để giành hợp đồng.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian làm việc tại Bắc Kỳ, Schneider có trong tay bẩy đầu báo, trong đó có 5 đầu báo (Đại-nam đồng-văn nhật-báo (cuối 1891-31/12/1907), Nam-Việt quan-báo 01/01/1908-1913), Nam-Việt công-báo (01/01/1911-31/12/1913), Pháp-Việt thông-báo (01/01/1914-31/12/1918), Công-thị báo (11/1914-cuối 1915)) được in một mặt, khổ lớn, để dán tại những nơi công cộng như đình đình làng, để phổ biến thông tin cho người dân ; hai tờ báo khác được in dưới dạng báo thông thường là Tạp chí Đông Dương và tờ Trung Bắc tân văn.
Tới năm 1909, trong tổng số bẩy nhà in tư nhân tại Bắc Kỳ, F. H. Schneider sở hữu hai nhà máy lớn nhất, tại Hà Nội và Hải Phòng và một nhà máy sản xuất giấy. Sau nhiều năm gây dựng cơ nghiệp tại Bắc Kỳ, Schneider có ý định mở rộng thị trường tại miền Nam. Được sự hậu thuẫn của chính quyền, ông mua lại tờ Lục-tỉnh tân-văn từ Pierre-Jeantet Sombsthay và nhận được một khoản trợ cấp hàng năm từ chính phủ, giống như những tờ báo ông xuất bản tại Bắc Kỳ.
Lục-tỉnh tân-văn : Từ một tờ báo tư nhân thành một tờ “công báo”
Trong khoảng thời gian một năm rưỡi tồn tại, từ tháng 11/1907 tới tháng 05/1909, trước khi bị Schneider mua lại, chủ bút tờ báo là Trần Chánh Chiếu, còn gọi là Gilbert Trần Chánh Chiếu hay Gilbert Chiếu, với bút danh Trần Nhựt Thăng. Ông là một người cổ suý mạnh mẽ các phong trào duy tân yêu nước, cùng với các nhân sĩ yêu nước khác như Nguyễn An Khương, Lương Khắc Ninh, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Thần Hiến… Năm 1906, khi thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông-cổ mín-đàm, ông bí mật sang gặp Phan Bội Châu tại Hương Cảng, Hồng Kông, sau đó sang Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Đề. Về hoàn cảnh gặp Phan Bội Châu, vẫn còn nhiều ý kiến và giải thích khác nhau.
Trở về nước, Gilbert Chiếu khởi xướng phong trào Minh Tân để hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu. Cùng với nhiều thân sĩ yêu nước, ông chủ trương lập Nam Kỳ minh tân công nghệ xã (1908) và nhiều cơ sở kinh tài khác để giúp tiền bạc nhiều thanh niên ưu tú sang Nhật Bản học tập theo phong trào Đông Du. Trong khoảng thời gian này, Nam Kỳ có khoảng hơn 100 học sinh, con các điền chủ, được bí mật gửi sang Nhật Bản học tập, trong đó có người con trai Jules Tiết của Gilbert Chiếu.
Ngoài ra, tận dụng vai trò là chủ bút tờ Lục-tỉnh tân-văn, ông công khai trên mặt báo hô hào duy tân cứu nước, chống hủ tục, tranh luận về lập trường dân tộc và đặc biệt là công kích chính quyền thuộc địa và phong kiến tay sai. Về mặt kinh tế, tờ báo kêu gọi đồng bào cạnh tranh với Hoa kiều và Ấn kiều đề giành quyền lợi. Mọi hành động, hay lời kêu gọi của ông đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới điền chủ và công chức.
Cùng với các biến cố xảy ra dồn dập khắp đất nước : tại miền Trung là phong trào chống thuế năm 1908 hay vụ Hà thành đầu độc cũng xảy ra năm đó, chính quyền Nam Kỳ buộc phải cử mật thám theo dõi Gilbert Chiếu. Và cuối cùng, ông bị bắt vào tháng 10/1908 tại Sài Gòn vì tội ủng hộ và có quan hệ với phong trào Đông Du và đã viết báo công kích chế độ thuộc địa.
Trong số 50, ra ngày 29/10/1908, tờ Lục-tỉnh tân-văn chỉ đưa tin chung chung như sau: “Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác. Vậy chủ nhơn kính tỏ cùng tôn bằng quý khách đặng rõ rằng bổn quán thiệt vô cùng không hay không biết những việc Chủ bút (Gibert Chiếu) phản bạn, giao thông với người ngoại quốc. Nhà nước cũng cho bổn quán biết nhà nước chẳng chút nào tin dạ trung nghĩa của Gibert Chiếu, cho nên đã có ra lịnh kiềm thúc thám sát quá đỗi ngặt nghiêm”.
Sau khi Gilbert chiếu bị bắt, tờ báo của Pierre-Jeantet Sombsthay có nguy cơ bị đóng cửa cho tới khi được Schneider mua lại vào tháng 05/1909, dưới sự chấp thuận của chính quyền Nam Kỳ. Vì vậy, ý đồ của nhà cầm quyền nhắm hai mục đích chính : thứ nhất, thay đổi hoàn toàn đường lối biên tập của tờ Lục-tỉnh tân-văn đặt dưới sự quản lý của một đối tác có uy tín ; thứ hai là nhằm thay thế chức năng của tờ công báo của tờ Gia-định báo, bị đình bản vào cuối năm đó.
Tờ báo là bản sao viết bằng chữ quốc ngữ của tờ Bulletin administratif de la Cochinchine (Kỷ yếu hành chính Nam Kỳ), phát hành thứ Năm hàng tuần với 32 trang. Vì vậy, thân hào tại mỗi làng xã phải đăng ký mua tờ báo này. Chớ trêu thay là từ giờ các địa phương phải tự bỏ tiền túi trả cho một cơ sở tư nhân để được cung cấp thông tin liên quan tới thay đổi hành chính hay các sắc lệnh, nghị định của chính phủ.
François-Henri Schneider cử trí thức trẻ Nguyễn Văn Vĩnh, một người được ông nâng đỡ, tin tưởng và đã từng cộng tác, vào Sài Gòn làm công việc cố vấn cho tờ Lục-tỉnh tân-văn từ năm 1909 cho tới năm 1913. Sau đó, ông trở về Hà Nội để phụ trách tờ Đông Dương tạp chí, một ấn bản viết bằng chữ quốc ngữ, song không cần xin phép trước, nhờ trí thông minh và lanh lợi của ông chủ Schneider.
Sự kiện đánh bom khách sạn Hà Nội (tại phố Paul Bert, nay là phố Tràng Tiền) ngày 27/04/1913 do Việt Nam Quang phục hội tiến hành đã giúp Schneider tận dụng được tình hình rối ren và bối rối của chính phủ để cho xuất bản ngày 15/05/1913, cùng ngày với thông tri cho phép phát hành, số đầu tiên của ấn bản đặc biệt của tờ Lục-tỉnh tân-văn, dưới tên gọi Đông Dương tạp chí. Tờ tạp chí văn hoá trở thành một ấn bản đặc biệt dưới sự điều khiển của Nguyễn Văn Vĩnh cùng với nhiều cây bút “tây học” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) hay “hán học” (Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục) nổi tiếng thời bấy giờ. Những trí thức vì tân trào trên biến tờ báo thành nơi thử nghiệm văn phong, cải tiến chữ quốc ngữ, du nhập những thể văn hiện đại và phổ biến học thuật phương Tây.
Đầu những năm 1920, Schneider bán lại tất cả tài sản của mình tại Đông Dương để trở về nghỉ hưu tại Pháp. Ông nhượng lại tờ Lục-tỉnh tân-văn cho ông Nguyễn Văn Của, hay còn gọi là ông huyện Của. Từ ngày 03/10/1921, tờ báo hợp nhất với Nam-Trung nhật-báo và vẫn giữ nguyên tên Lục-Tỉnh tân-văn do Lê Hoàng Mưu làm chủ bút và chuyển thành nhật báo cho tới tháng 12/1944 thì đình bản. Những chủ bút cuối cùng là Nguyễn Văn Giàu và Diệp Văn Cương.
Cùng với các tờ Gia-định báo, Nhựt trình Nam-Kỳ, Phan-yên báo, Thông-loại khoá-trình, Nông-cổ mín-đàm, Nhựt báo tỉnh, tờ Lục-tỉnh tân-văn là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Nam Kỳ và viết bằng chữ quốc ngữ. Đây cũng là tờ báo uy tín nhất và tồn tại lâu nhất tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa.