post

“Gái điếm Paris”’ trong mắt các danh họa thế kỷ

Danh họa Henri de Toulouse-Lautrec vẽ bức tranh về các cô gái điếm "In Salon of Rue des Moulins" (1894) - DR

Danh họa Henri de Toulouse-Lautrec vẽ bức tranh về các cô gái điếm “In Salon of Rue des Moulins” (1894) – DR

Tuấn Thảo RFI

Gái nhảy, gái gọi, kỹ nữ, nàng Kiều, escort, call girl hay ca ve (cavalière), dù danh từ có thanh tao mỹ miều đến đâu đi chăng nữa, thì đó vẫn là cái tên gọi cho nghề mại dâm, cái nghề xưa nhất trên đời. Từ đầu mùa thu năm nay cho tới trung tuần tháng Giêng năm tới (từ 22/09/2015 đến 17/01/2016), Viện bảo tàng Orsay lần đầu tiên dựng một cuộc triển lãm lớn về đề tài này.

Trường phái ấn tượng, phong trào dã thú hay khuynh hướng lập thể, trên dưới 70 tác phẩm trong cuộc triển lãm mang tựa đề khá táo bạo “Splendeurs et misères : Images de la prostitution” đều thuộc về các danh họa nổi tiếng nhất thế giới, cho thấy nếp sống và sinh hoạt về đêm tại thủ đô Paris trong vòng 60 năm (1850-1910), kể từ hậu bán thế kỷ XIX cho tới thập niên đầu thế kỷ XX.

Chẳng hạn như bức tranh Salon des Moulins của Henri de Toulouse-Lautrec, Ly rượu Cúc xanh (L’absinthe) của Edgar Degas hay là Kiều nữ Olympia (dựa theo nhân vật có thật Victorine Meurent) của Édouard Manet đều ít nhiều phản ánh các tụ điểm ăn chơi khét tiếng ở Paris. Thời còn là một hí viện vũ trường, nhà hát Moulin Rouge cũng là một trong những tụ điểm thu hút nhiều gái mại dâm, bên cạnh các ‘’thanh lâu’’ dành cho giới thượng lưu trưởng giả hay nhà thổ dành cho giới công nhân thợ thuyền ….

Thông qua các tác phẩm, các danh họa Pháp cũng như các tác giả nước ngoài, cũng đồng thời nói lên thân phận của các cô gái điếm, hạng sang thì được gọi là ‘’demi-mondaines’’ nhờ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, nên được các tay triệu phú chu cấp, các nhà tài phiệt nuôi dưỡng. Thành phần gái điếm bình dân hơn thì được gọi là cavalières khi làm việc ở vũ trường, trotteuses khi họ phải đứng chờ khách ven đường hay là pierreuses vì khách của họ thường là giới thợ mỏ.

Bản thân tác giả của các bức tranh phải chăng thường xuyên lui tới chốn lầu xanh hay là họ chỉ đơn thuần vẽ lại những điều tai nghe mắt thấy. Dù gì đi nữa, các tác giả như Munch, Vlaminck hay Van Dongen đều đã vẽ những tác phẩm theo đề tài này khi họ được dịp ghé thăm Paris. Trường hợp của Toulouse Lautrec, thì khỏi phải bàn vì bản thân ông trong nhiều năm trời sống ngay ở trong căn gác trọ của nhà chứa mang tên là Hoa Trắng ‘’La Fleur Blanche’’ nằm ở số 6 trên đường ‘’rue des Moulins’’ giữa lòng thủ đô Paris.

Những bất ngờ và thú vị hơn cả có lẽ là bức tranh Les Demoiselles d’Avignon (Những cô nàng ở Avignon) của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso, được xem như là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của làng hội họa thế kỷ XX, và nay thuộc quyền sở hữu của Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York.

Vào năm 1900, Pablo Picasso, lúc ấy mới 19 tuổi, rời thành phố Barcelona đến thủ đô Paris. Sau vài năm, ông dọn nhà về phố Montmartre, chọn Bateau-Lavoir làm xưởng vẽ. Picasso bắt đầu vẽ bức tranh ‘’tiền lập thể’’ Les Demoiselles d’Avignon vào mùa đông năm 1906, và cố tình không hoàn tất tác phẩm này, đem ra trưng bày vào mùa hè năm 1907 như một bức tranh ” còn dang dở”. Về hình thức thì bức tranh này mở ra trường phái lập thể phân tích mà Picasso và Braque đều dày công nghiên cứu sau đó (từ năm 1909 đến 1912).

Sở dĩ Viện bảo tàng Orsay chọn tác phẩm Les Demoiselles d’Avignon để giới thiệu với công chúng, phần lớn cũng vì những giai thoại tiềm ẩn về nguồn gốc của bức tranh. Năm ‘’nàng thơ’’ trong tranh thật ra là những cô gái điếm và chữ Avignon ở đây không có nghĩa là danh họa Picasso đã từng đặt chân đến thành phố cùng tên ở vùng Vaucluse miền nam nước Pháp.

Trong nguyên tác, bức vẽ này mang tên là “El Burdel de Aviñón” dịch sát nghĩa là Nhà thổ trên đường Aviñón. Picasso vẽ bức này theo trí nhớ, hồi tưởng lại những năm tháng niên thiếu, thời ông còn sống trong khu phố cổ của thành phố Barcelona, thủ phủ vùng Cataluña. Khu phố này còn được người dân địa phương gọi là Góc phố Gothic (Barri Gòtic trong tiếng catalan và Barrio Gótico trong tiếng Tây Ban Nha).

Ngược dòng ký ức, Picasso đã vẽ lại các nhân vật trong nhà chứa nằm trên đường Calle de Aviñón (tiếng catalan là Carrer d’Avinyó). Mãi đến tháng 7 năm 1916, nhân cuộc triển lãm tại phòng tranh Salon d’Antin của ông André Salmon, thì cái tựa đề nguyên tác “El Burdel de Aviñón” mới được đổi tên thành Les Demoiselles d’Avignon.

Có lẽ ban tổ chức cuộ triển lãm năm 1916 đã dùng một cách gọi ‘’thanh tao hơn’’ để tránh gây sốc nơi khách đến xem triển lãm. Nhưng uyển ngữ không có nghĩa là ‘’uyển họa’’ vì lối vẽ lập thể của Picasso đã gây khá nhiều tai tiếng thời bấy giờ. Bức tranh vẽ năm nàng Kiều khỏa thân, thể hiện cùng lúc các góc nhìn ba chiều trên mặt tranh hai chiều, điều đó tạo ra những hình khối đan chéo vào nhau, khiến cho người xem có cảm tưởng là cơ thể của người đàn bà bị méo mó như thể đang bị lột da tróc thịt …. Qua việc thể hiện một cách gai góc những ‘’kỹ nữ’’, Picasso muốn phản bác lý tưởng thẩm mỹ thời bấy giờ của các danh họa như Ingres hay Matisse ….

Vào giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cũng là thời kỳ huy hoàng của những kỹ nữ nổi tiếng ở Paris như La Comtesse de Loynes, Valtesse de la Bigne, Cléo de Mérode và nhất là Apollonie Sabatier từng làm mê mệt, điêu đứng đấng mày râu trong đó có hai nhà thơ Théophile Gautier và Charles Baudelaire. Hình tượng của những giai nhân chốn phồn hoa, dùng nhan sắc như một loại vũ khí tối thượng hay một lá chủ bài để mặc cả đổi chác, tạo nên một thứ ma lực bí ẩn đáng gờm khiến cho xã hội bảo thủ, thành phần trưởng giả thời bấy giờ cảm thấy vừa bị mê hoặc, vừa bị khiếp đảm ….

Hình tượng kỹ nữ trở thành những giai thoại lý thú, những nhân vật tiểu thuyết, với đình mệnh phi thường vì họ không thể nào giống như những con người tầm thường. Nhưng tư tưởng phải đạo muốn rằng những con người như vậy không thể nào mà sống được lâu, họ phải chết yểu và sự kết thúc ấy chẳng những không có hậu mà còn phải diễn ra trong đau đớn.

Có lẽ cũng vì thế mà Viện bảo tàng Orsay đã đi xa hơn khi cho thấy cách tổ chức của xã hội Pháp nói riêng, của các quốc gia Tây Âu nói chung thời bấy giờ, thời của những nhà chứa, thời của hôn nhân sắp đặt chứ không phải vì tình cảm …. Có lẽ cũng vì vậy mà chuyện đàn ông lui tới chốn thanh lâu là điều mà xã hội ‘’đạo đức giả’’ vẫn cho là chuyện thường tình.

Qua việc đối chiếu nhiều bộ môn nghệ thuật với nhau (hội họa, thi ca, văn chương ….) cuộc triển lãm muốn cho thấy các tác phẩm nghệ thuật ‘’ăn khách’’ thời ấy thường thỏa mãn tâm lý hả hê thường thấy nơi số đông khán giả : giai nhân lầu xanh có chết như vậy là cũng chẳng có gì mà phải thương tiếc, nếu không nói là “đáng đời” ….

Trên sân khấu kịch opera, các nhân vật nổi tiếng như Manon Lescaut (Mai Nương Lệ Cốt) hay nàng geisha (Cio-Cio San) trong vở kịch kinh điển Madame Butterfly của Puccini hay là nhân vật Violetta trong vở kịch La Traviata của Verdi phóng tác từ nhân vật Marguerite Gautier trong Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias) của nhà văn Allexandre Dumas con, tất cả các nhân vật này phải chết một cách oan ức tức tưởi.

Hồng nhan bạc mệnh, hình tượng này truyền cảm hứng sáng tác cho các văn hào Pháp như Victor Hugo, Guy de Maupassant, hay Émile Zola … trong các bộ truyện đồ sộ của họ, người ta dễ bắt gặp hình tượng của những kỹ nữ, của các nàng hầu, của những cô vợ bé hay tình nhân không chính thức …. Họ thường là nạn nhân của lòng ích kỷ đấng mày râu có tiền hay có địa vị trong xã hội.

Có lẽ cũng vì vậy mà Viện bảo tàng Orsay đã vay mượn tựa tiểu thuyết nổi tiếng của Honoré de Balzac ‘’Những bước thăng trầm của kỹ nữ’’ để làm nhan đề cho cuộc triển lãm. Tựa đề ‘’Splendeurs et Misères’’ ( …. des courtisanes) là một cách để nói lên những giây phút tột đỉnh huy hoàng cho đến lúc tàn phai bẽ bàng ….