post

Huyền thoại Edith Piaf – Marcel Cerdan

piaf-cerdan_apThanh Hà RFI

Một năm trước khi qua đời năm 1963, Edith Piaf cùng người chồng thứ nhì của bà là Théo Sarapo song ca bản nhạc « A quoi ça sert, l’amour – Có tình yêu để làm gì ? ». Dù thân xác đã bị bệnh tật, rượu và thuốc là tàn phá, trên sân khấu, bà thể hiện tác phẩm này với tất cả tấm lòng, với tất cả niềm say mê. Edith Piaf đã thốt lên những lời tâm sự tự đáy lòng sau cái chết đột ngột của người tình, võ sĩ quyền anh, Marcel Cerdan ?

      EdithPiaf_MarcelCerdan.mp3

Trước câu hỏi : « Yêu đề làm gì, để rồi tan vỡ/ Chỉ còn lại đau khổ và nước mắt ? ». Edith Piaf trả lời : « Tình yêu là một điều kỳ diệu/ Khi đã chắp cánh bay đi, còn đọng lại mật ngọt/ Tình yêu là vĩnh cửu ».

Cả cuộc đời, Edith Piaf có ba niềm đam mê tuyệt đối : âm nhạc, sự sống, và tình yêu. Sự nghiệp của bà là một chuỗi dài những cuộc hạnh ngộ, với rất nhiều nhạc sĩ, tác giả, ca sĩ … Cho dù nổi tiếng là một người chuyên « sưu tập những người tình », nhưng dường như mối tính lớn nhất trong đời bà là nhà vô địch quyền anh, Marcel Cerdan. Cerdan đã thực sự đem lại cho tác giả của « La Vie en Rose » mật ngọt của tình yêu. Chỉ hai năm ngắn ngủi, cũng đủ Edith Piaf –Marcel Cerdan được coi là một trong những mối tình đẹp nhất của thế kỷ XX.

Edith Piaf- tên thật là Edith Gassion- sinh vào một ngày mùa đông năm 1915 tại khu phố Belleville quận XX –Paris. Cô gái sớm bị mẹ bỏ rơi, còn người cha thì phải nhập ngũ. Edith được bà ngoại đem về nuôi dưỡng ở mãi tận vùng Normandi, miền bắc nước Pháp. Đó là những năm tháng khá êm đềm trong cuộc sống đầy sóng gió của người nghệ sĩ sau này.

Khi được giải ngũ thân phụ của Edith đem cô gái trở lại kinh đô ánh sáng. Ông sống bằng cái nghề làm xiếc mua vui cho bà con trên đường phố, cô con gái 15 tuổi của ông ngửa tay xin tiền khách qua đường. Chính trên vỉa hè Paris, vào đầu những năm 1930 Edith đã biết yêu lần đầu. Cô có với Louis Dupont một đứa con, nhưng đứa trẻ đã chết sớm vì bệnh sưng màng não.

Người đàn ông thứ nhì đến với Piaf, là ông chủ quán « cabaret » Gerny’s. Do nhỏ thó, gầy gò, Edith được Louis Leplée đặt biệt hiệu « La môme Piaf – Con nhãi Piaf ». Leplée đưa Edith Piaf vào quỹ đạo của thành công. Tiếc là ông chủ quán Gerny’s chỉ kịp thu đĩa một bài hát duy nhất với Edith trước khi bị ám sát vào năm 1936.

Một năm sau, Edith Piaf chinh phục khán giả Paris với bản tình khúc lãng mạn « Mon Légionnaire ».

« Mon Légionnaire »

Người đàn bà trong ca khúc này, yêu say đắm một chàng lính dê lương, tương tự như Edith Piaf ở vào năm 1937 đang yêu Raymond Asso. Nếu Leplée là người khám phá giọng ca thiên phú của Edith, thì Asso mới chính là người đưa Piaf lên đỉnh cao danh vọng. Edith Piaf trở thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật Paris. Những nhà hát lừng danh nhất mời bà biểu diễn.

Không chỉ giam mình trong thế giới ca nhạc, Edith Piaf tìm đến với nghệ sân khấu. Tại đây bà đã biết và đã yêu bạn diễn Paul Meurice. Nhà soạn kịch bậc thầy, Jean Cocteau đã sáng tác vở kịch « Le Bel Indifférent » để tặng cho hai người.

« L’Hymne à l’Amour »

Trên sân khấu, và qua mỗi bài hát Edith Piaf luôn chứng minh bà có tài diễn xuất ngoại hạng. Nhờ vậy bà không chỉ làm mê hoặc khán giả Paris, mà còn chinh phục luôn cả những người yêu âm nhạc ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Trong bốn tháng liền, Edith Piaf biểu diễn ở quán « cabaret » mang cái tên rất Pháp là Versailles ở giữa lòng đảo Manhattan, New York. Chính tại chốn này, năm 1948 Edith đã ngả vào vòng tay võ sĩ Cerdan, một người cũng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tương tự như một võ sĩ hàng đầu, dù bị cuộc đời vùi dập tới đâu, Edith Piaf cũng vẫn vươn lên.

Khi đến với Piaf, Cerdan đã có vợ và ba con sống tại Maroc. Marcel không ly dị với vợ, nhưng đã xây tổ ấm với Edith ở Paris. Những chuỗi ngày bình yên và hạnh phúc đó, đã là nguồn cảm hứng cho Edith Piaf soạn lời cho một trong những ca khúc nối tiếng nhất của bà : bài ca ngợi tình yêu – « L’Hymne à l’amour ».

Edith Piaf đã tha thiết yêu nhà vô địch quyền anh có nước da rám nắng của những vùng Algérie và Maroc này. Khó có thể hình dung nổi một ngôi sao như bà ngồi đan áo, đợi người tình chạy bộ vào buổi sáng, như thể cặp tình nhân này không thể xa nhau đến nửa bước.

Trong một bức thư gửi Marcel, Edith viết : « Trời là em yêu anh, hỡi người yêu dấu ! Em muốn được quỳ dưới chân anh để chiêm ngưỡng, để hầu hạ và để chỉ thuộc về anh (…) để chỉ sống vì anh, qua anh. Em ». Về phần mình, người đã viết nên một trang sử trong môn võ quyền anh, ghi 119 trận tháng trên tổng cộng 123 lần bước lên đấu trường, Marcel Cerdan không khỏi tự hào là người mà nữ nghệ sĩ Edith Piaf dành cho nụ hôn đầu tiên khi bà thức giấc và cũng ông là người biết được con người thực sự, của Piaf.

Chính vì không thể sống xa nhau, nên vào cuối tháng 10 năm 1949, một cú điện thoại của Edith Piaf từ New York thôi thúc Marcel Cerdan lấy máy bay, thay vì đi tàu thủy sang New York để chóng gặp lại với người tình. Chẳng ngờ, chuyến máy bay của ông lâm nạn trong đêm 27 rạng sáng ngày 28/10/1949. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn tử vong.

« Non, je ne regrette rien »

 Khi hay hung tin, Edith Piaf đang trình diễn trên sân khấu, bà xuất thần trình bày bản « L’Hymne à l’amour » như một lời nguyện cầu, như một tiếng gọi hồn.

Sau này, « La môme Piaf » giãi bày : những bất hạnh, khổ đau đã đem lại tất cả cho bà. Còn hạnh phúc, chỉ khiến con người ta thành những kẻ ích kỷ. Piaf nói « Tôi không ân hận điều gì. Giống như một trong những ca khúc của tôi vậy. Tôi không ân hận vì những gì đã trải qua. Tất cả đều đã đem lại cho tôi những kinh nghiệm quý báu ».

Nhiều năm sau khi đã mất Marcel Cerdan, Edith Piaf đã lấy không ít nước mắt của khán giả khi bà trình bày ca khúc « Mon Dieu- Lạy Chúa ». Xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo đầm đen, bà quỳ gối van xin Thượng Đế : « Lạy Chúa/ hãy để anh ấy lại cho con/ Chỉ một chút thôi/ Chỉ thời gian để yêu/ để những lời yêu thương đọng lại trong ký ức ».

Edith Piaf không đầu hàng trước định mệnh nghiệt ngã. Mất Marcel, bà dồn nhựa sống và thời gian cho những tài năng trẻ của làng nhạc Pháp. Trong số đó phải kể đến những danh ca bậc nhất sau này như Charles Aznavour, Gilbert Bécaud hay George Moustaki, Yves Montand…

Edith Piaf và người tình trẻ, Yves Montand.

Charles Aznavour, đã soạn ca khúc « Plus bleu que tes yeux » cho Edith Piaf. Còn George Moustaki đã đem lại một làn gió mới trong sự nghiệp của bà với ca khúc dồn dập « Milord ». Càng về già Edith Piaf càng bị bệnh tật và chứng nghiện rượu tàn phá. Nhưng đến hơi thở cuối cùng, « La Môme » vẫn chung thủy với mối tình ban đầu : âm nhạc. Mãi đến tận ngày nay, những ca khúc như « Mon Manège », « La Foule » hay « La Vie Rose » của bà vẫn có sức lôi cuốn lạ thường.