Thanh Hà RFI
Đã là ca sĩ, ở Pháp, tài năng trẻ nào cũng mơ có được sự nghiệp lâu bền và vững chắc như Julien Clerc. Trong hơn 40 năm trên sân khấu, anh đã có hơn 1000 buổi trình diễn trên quê nhà và thế giới, trình làng 23 đĩa hát với hàng trăm ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng hit parade. Giọng ca êm như nhung, độ rung vibrato mà chỉ Julien Clerc mới có được vượt thời gian.
Tên thật của ca sĩ là Paul Alain Leclerc, sinh năm 1947 tức cùng tuổi với những Michel Berger và France Gall, trong một gia đình nề nếp, bố là quan chức cao cấp làm việc cho UNESCO, mẹ gốc người đảo Guadeloupe. Paul Alain được học nhạc từ bé và tuổi thơ của anh được ru bằng những ca khúc của George Brassens hay Edith Piaf. Dòng nhạc đã ngấm vào máu của cậu con trai này mới lớn tự lúc nào không biết mà anh đã sáng tác ra khá nhiều từ khi vừa mới đỗ tú tài. Do áp lực của gia đình, Paul Alain phải ghi danh ở đại học, nhưng đó chính là thời gian, anh ngồi ở quán cà phê nhiều hơn là ở giảng đường.
Vào những năm 60, Paul Alain tình cờ kết bạn với hai nhà soạn nhạc tài hoa là Maurice Vallet và Etienne Roda –Gil. Nhờ một chút may mắn, anh lọt được vào mắt xanh của nhà sản xuất đĩa Pathé Marconi. Paul Alain Leclerc đặt cho mình cái tên dễ gọi hơn trên sân khấu là Julien Clerc. Năm 1968 Roda-Gill và Vallet cùng hợp tác soạn lời cho đĩa hát đầu tay của Julien Clerc.
Trong số 11 ca khúc, thì bài « La Cavalerie – Kỵ Binh » được chú ý nhất. Trên nền nhạc symphonique với một thoáng gì rất mới, ca khúc nói lên được nỗi khát khao viễn du của cả một thế hệ thanh niên mới lớn.
Đĩa hát đầu tay đó lập tức lọt vào bảng xếp hạng Hit parade của thời bấy giờ. Có điều lập tức khán giả mộ điệu đã gán cho Julien Clerc hình ảnh chàng nghệ sĩ đem tiếng hát của mình để làm siêu lòng phái đẹp. Hiếm khi nào một ca sĩ mới thành danh lại được những cây đại thụ của làng nhạc Pháp, như Gilbert Bécaud hay Adamo mời hợp tác.
Năm 1969 Julien Clerc đoạt giải thưởng âm nhạc của học viện Charles Cros. Không để lãng phí thời gian, Julien Clerc trình diễn trước công chúng của rạp hát nổi tiếng Olympia và đã được những danh ca như Serge Gainsbourg hay Henri Salvador đến chúc mừng.
Buổi trình dễn đầu tiên của Julien tại rạp Olympia vô hình chung là bệ phóng đưa sự nghiệp của Julien Clerc đi xa hơn nữa. Ông bầu đang dựng vở ca nhạc kịch « Hair » ấn bản tiếng Pháp, đã mời anh cộng tác.
Laissons entrer le soleil-Let the Sunshine In
Ca sĩ trẻ vừa nổi lên trên bầu trời ca nhạc Pháp qua chương trình truyển chọn Tài năng mới của đài truyền hình tư nhân W9, Vianney đến bây giờ vẫn còn cảm thấy rất gần gũi với « Let the Sunshine In » của Julien Clerc năm 1969.
Vianney tâm sự : Julien Clerc là một nghệ sĩ tuyệt vời, vừa dễ nghe, vừa có sức lôi cuốn lạ thường. Bà ngoại anh, mãi cho đến trước khi qua đời vẫn con hát bản nhạc này mỗi dịp hội hè trong làng. Julien Clerc cũng như bài « Hãy đón ánh nắng mặt trời – Let the Sunshine In » đã là nguồn cảm hứng đầu tiên của Viannney và Hair thật là một tuyệt tác.
Năm 1971 Julien Clerc lại mở ra thêm cho mình một cánh cửa mới trên con đường nghệ thuật khi đưa vào « le Cœur Volcan » làn điệu tango anh đem về từ Achentina.
Cùng năm, mới 24 tuổi, Julien Clerc đã được vinh dự có một bức tượng sáp trong bảo tàng grévin-Paris. Đó là dấu hiệu rõ rệt nhất chứng tỏ trên bầu trời ca nhạc Pháp, Julien là một ngôi sao đang tỏa sáng. Nhiều bài hát của anh được dịch sang các ngoại ngữ khác , tiếng hát êm như nhung của Julien Clerc đã được thính giả ở Anh, Ý hay Tây Ban Nha Canada, Nhật Bản đặc biệt yêu mến. Julien Clerc cũng thường xuyên trình diễn và thu âm tại Hoa Kỳ, Julien có một mối liên hệ đặc biệt với bang California.
Nhưng dù đi lưu diễn ở nơi nào, Julien Clerc mỗi năm đều phải trình diễn trên sân khấu của rạp Olympia Paris, như thể tìm lại người bạn thủa ban đầu, khi anh mới chỉ là nghệ sĩ phụ được những bậc đàn anh, đàn chị mời chia sân khấu.
Ma préférence
Nửa cuối thập niên 70 cũng là những năm tháng Julien Clerc bắt đầu hợp tác với nhà viết lời Jean-Loup Dabadiesự hợp tác đó đã nhanh chóng đơm hoa kết trái. Hơn 400.00 ấn bản « Ma Préférence » tràn ngập thị trường đĩa hát ở Pháp khi vừa được cho ra mắt công chúng vào năm 1978.
« Ma préférence » được bình chọn là bản nhạc tiêu biểu nhất trong năm và trong 40 năm liên tiếp tác phẩm đó luôn được Julien trình bày trong mỗi buổi biểu diễn. Hơn thế nữa, ca khúc này đã làm thay đổi cái nhìn của gia đình đối với Julien Clerc : mãi tới khi đó, cha mẹ và các anh chị em trong nhà mới nhìn nhận Paul Alain Leclerc là một nghệ sĩ toàn phần, là con người của âm nhạc.
Về phần Julien, anh bay từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, như với ca khúc « Femmes je vous aime ». Thậm chí có thể nói đây là lời tỏ tình chân thật, cao đẹp, một lời xưng tụng mà người nghệ sĩ dành tặng cho tất cả các bậc anh thư : Đó là những người vừa dịu dàng, vừa cứng rắn, đầy nghị lực, cần tựa đầu lên một đôi vai nhưng phái đẹp lại cũng là những con người rất cô đơn, dễ vỡ.
Năm 1982 khi bản nhạc này chào đời, chính Julien Clerc đã do dự và không muốn đưa ca khúc đó vào đĩa hát của mình, nhưng khi đến phòng thu, thì anh mới ý thức được tầm ảnh hưởng của lời ca, nốt nhạc đối với người nghe. Nhà soạn lời Dabadie sau này giải thích : « Femmes je vous aime » được yêu mến, bởi đó là một tác phẩm không mang tính thời sự, ca khúc đó không có thời gian tính.
Nhạc đến từ ngàn phương
Trong 46 năm sự nghiệp, Julien Clerc đã có hơn 1000 buổi trình diễn khắp năm châu, nhận không biết bao nhiêu đĩa vàng, Disque d’Or khi những album của mình vượt kỷ lục 100.000 ấn bản, đoạt giải thưởng Victoire de la Musique dành cho ca khúc xuất sắc nhất, giải thưởng Vincent Scotto dành cho ca khúc ăn khách nhất, hay giải thưởng dành cho những nhà soạn nhạc tài hoa nhất …
Ở tuổi xấp xỉ 70, Julien Clerc vẫn say mê sáng tác. Ông vừa vừa trình làng vào mùa thu 2014 đĩa hát thứ 23 : « Partout la musique vient – Âm nhạc đến từ ngàn phương.» Lấy nguồn cảm hứng từ dòng nhạc pop, groove của Anh, từ không khí sôi động của Luân Đôn, Julien Clerc đã cùng với dàn nhạc sĩ, phác họa ra muôn mặt của tình yêu như với « Le Chemin des rivières », khi mùa đông bao phủ lên tâm hồn, khi tất cả chỉ còn là kỷ niệm phai màu, như một cánh buồm trong gió thu … Tác phẩm này do cựu đệ nhất phu nhân Pháp, Carla Bruni Sarkozy soạn lời.