Sáng hôm nay, thứ Bảy 28 tháng Mười Hai 2013, sẽ có khoảng 1.3 triệu người Mỹ thức giấc với nỗi buồn cuối năm: chưa kiếm được việc làm, trong khi tiền trợ cấp thất nghiệp không được gia hạn.
Từ năm 2008 khi kinh tế bắt đầu khó khăn, chính phủ George W. Bush yêu cầu Quốc Hội gia hạn thời gian hưởng tiền thất nghiệp cho những người mất việc làm, đề nghị này sau đó được chính phủ Barack Obama tiếp tục thi hành và đã 11 lần được Quốc Hội thông qua. Rất tiếc trong cuộc đàm phán ngân sách hồi tháng trước giữa Thượng Viện và Hạ Viện vấn đề này không được nói tới, dẫn đến kết quả những người không may chỉ được hưởng trợ cấp tối đa 26 tuần lễ, thay vì có thể hưởng tới 52 tuần như quy định trước đây.
“Không phủ nhận về nguyên tắc, kinh tế quốc gia đang phục hồi”, bà Judy Nelson của Tổ Chức Nghiên Cứu Và Vận Động Quyền Lợi Cho Người Lao Động Hoa Kỳ nói trong cuộc họp báo tại Washington D.C. hồi sáng thứ Sáu “nhưng nếu bảo rằng tình hình đã thật ổn định thì chưa”, do đó, “số người chưa kiếm được việc làm vẫn còn nhiều, họ cần sự giúp đỡ của chính quyền nhưng rất tiếc chính quyền lại chẳng ngó ngàng gì đến họ”.
Cuộc họp báo kêu gọi chính phủ phải có biện pháp để giúp đỡ những cá nhân hay gia đình “đang sống nhờ trợ cấp thất nghiệp” diễn ra chỉ ít giờ đồng hồ sau khi đài truyền hình CNN cho công bố kết quả cuộc thăm dò mới nhất về cảm nghĩ của người dân đối với tình trạng kinh tế quốc gia: 70% người dân Mỹ cho hay vẫn chưa thể lạc quan, lo âu năm tới cũng chưa sáng sủa. Theo chuyên gia xã hội Mike Connolly, điều đó “có nghĩa là số người bị ảnh hưởng tâm lý (vì thất nghiệp quá lâu, không tìm dược việc làm) sẽ tăng, và số người tìm được việc làm đúng với khả năng sẽ tiếp tục giảm”.
Tài liệu của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế (EPI) còn cho thấy ngoại trừ tiểu bang North Dakota, tất cả những tiểu bang còn lại đều tăng người trong khi không tăng việc làm “trong thời gian kinh tế quốc gia đang ở trong thời kỳ khủng hoảng”. Tài liệu này cũng nói có 33 tiểu bang “tỷ lệ dân số tăng và tỷ lệ việc làm cách nhau từ 5% trở lên”, điều đó có nghĩa là số người đang tìm việc làm nhiều hơn con số việc có thể cung cấp, và những người không may đang ở trong tình trạng thất nghiệp sẽ thấy khó khăn hơn khi đi tìm một công việc phù hợp với khả năng của họ. Ngay cả chuyện đi tìm một việc làm tạm thời “cũng khó khăn hơn” vì “việc ít, người nộp đơn xin việc thì ngày một nhiều”.
Con số 1.3 triệu người sẽ mất khoản tiền gia hạn trợ cấp thất nghiệp là những người cư ngụ ở khắp nước Mỹ. Thống Kê của Bộ Lao Động Liên Bang cho hay tại Calidornia, chỉ có chừng 215,000 người bị ảnh hưởng hay tại New York, số người không may lọt vào trường hợp này chỉ có chừng 125,000 người. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số, 90,000 người ở New Jersey không còn được hưởng trợ cấp tức khoảng 1% dân sô trên toàn tiểu bang, trong khi tại North và South Dakoto, tỷ lệ này rất thấp, chỉ ở mức 0,05% là tối đa.
“Bất kể tỷ lệ như thế nào, chính phủ vẫn phải tìm cách giúp đỡ cho họ”, bà Nelson nói tiếp. “Họ đây là những nhân viên làm việc tận tâm, cần cù, bị mất việc vì tình hình kinh tế chung của cả nước chứ không phải vì lỗi của họ” đồng thời số tiền trợ cấp họ đang lãnh hiện giờ “là khoản tiền rất quan trọng cho cả gia đình, và có những gia đình đang sống bằng khoản trợ cấp đó”.
Đó cũng là điều đã được nói đến ở Quốc Hội Liên Bang từ tháng Mười, thường xuyên được nhắc nhở trong các buổi họp báo của Tòa Bạch Ốc, nhưng cuối cùng cả Thượng lẫn Hạ Viện đều đồng ý “không nên thêm thắt vào những điều khoản đã thỏa thuận” để có được ngân sách cho năm 2014 và 2015 hầu đảm bảo chính phủ sẽ không phải đóng cửa. Cả 2 bên cũng “đồng ý trên nguyên tắc” sẽ thảo luận vấn đề này khi Quốc Hội mở cửa nhóm họp trở lại vào đầu năm 2014, nhưng trước ngày nghỉ lễ vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về khoản tiền chính phủ sẽ bỏ ra để gia hạn trợ cấp thất nghiệp.
Trong cuộc họp báo cuối năm, ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner nói ông tán thành đề nghị gia hạn trợ cấp thất nghiệp, nhưng cho biết “chính phủ phải tốn khoảng 25 tỷ” và Hạ Viện chỉ bỏ phiếu với điều kiện “hành pháp phải cắt 25 tỷ chi tiêu ở những nơi khác”. Trước đó Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Đa Số Harry Reid cam kết “sẽ đưa vấn đề ra thảo luận “ngay trong 2 ngày đầu tiên khi Thượng Viện trở lại làm việc” (tức vào ngày mùng 6 hoặc mùng 7 Tháng Giêng 2014), nhưng tin mới nhất cho biết có thể ông sẽ không làm điều này “vì dù Thượng Viện có thông qua những bị ngâm tôm ở Hạ Viện thì cũng vô ích”.
Tóm lại, chuyện gia hạn trợ cấp để giúp những người không may sẽ là để tài gây tranh cãi trong chính trường Hoa Kỳ vào đầu năm tới. Chưa rõ chuyện sẽ được giải quyết như thế nào nhưng đã thấy toàn những khó khăn, cho dù khó khăn nào thì cũng chẳng sánh bằng kho khăn mà 1.3 triệu người dân Mỹ phải đối phó từ sáng hôm nay, khi họ thức dậy với nỗi lo vì sẽ không được gia hạn tiền trợ cấp thất nghiệp.