La Isla Bonita, nhạc pop La Tinh sáp nhập dòng chính
Tuấn Thảo (RFI)
La Isla Bonita (Hòn đảo đẹp xinh) là bài hát đầu tiên của Madonna viết theo phong cách pop La Tinh. Đây là ca khúc thứ năm trích từ tập nhạc True Blue (album được phát hành vào mùa hè năm 1986) giành lấy ngôi vị quán quân tại 15 nước. Tuy không thật sự có công khai phá, nhưng thần tượng nhạc pop Madonna đã biết nắm bắt thời cơ, tận dụng khai thác sự trỗi dậy của dòng nhạc La Tinh.
La Isla Bonita (Hòn đảo đẹp xinh) là bài hát đầu tiên của Madonna viết theo phong cách pop La Tinh. Đây là ca khúc thứ năm trích từ tập nhạc True Blue (album được phát hành vào mùa hè năm 1986) giành lấy ngôi vị quán quân tại 15 quốc gia. Tuy không thật sự có công khai phá, nhưng thần tượng nhạc pop đã biết nắm bắt thời cơ, tận dụng khai thác sự trỗi dậy của dòng nhạc La Tinh.
Dòng nhạc pop La Tinh sẽ không được phổ biến rộng rãi, để rồi lan tỏa bén rễ tại nhiều nơi trên thế giới, nếu như không có sự hưởng ứng góp sức của giới nghệ sĩ Anh Mỹ nói riêng, quốc tế nói chung. Vào thời điểm ghi âm bản nhạc La Isla Bonita, nhạc pop La Tinh đã bắt đầu vươn cánh, Madonna chỉ nương theo sức bật đó, để viết lời cho một giai điệu (do hai tác giả Patrick Leonard và Bruce Gaitsch sáng tác) mang nhiều âm hưởng La Tinh, sử dụng trống gỗ quinto, trống lắc maracas, đệm mộc với đàn ghi ta thùng để chinh phục thêm cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi thành công trên thị trường quốc tế, bài La Isla Bonita (Hòn đảo đẹp xinh) tìm thêm được một hơi thở thứ nhì tại Châu Mỹ La Tinh, khi được chuyển ngữ toàn bộ sang tiếng Tây Ban Nha. Giới nghệ sĩ Nam Mỹ chuyển thể bài này sang các thể điệu salsa, cumbia, merengue, bachata, bossa nova, zouk love hay latin house đưa bài hát vào trong tủ nhạc và vựng tập biểu diễn của họ. Phiên bản gần đây nhất là của Ricky Martin. Danh ca người Puerto Rico ghi âm bài này cho Glee phim bộ truyền hình nhiều tập.
Một trong những gương mặt đầu tiên giúp định hình khái niệm pop La Tinh là nghệ sĩ người Brazil Sergio Mendes. Cột mốc quan trọng là năm 1964, tức cách đây đúng 50 năm, thời mà tác giả này phát hành hai tập nhạc mang tựa đề The Swinger from Rio và nhất là Bossa Nova York, qua đó tay đàn này phối hợp bossa nova và samba với hai dòng nhạc jazz và funk. Điều đó mở đường ban đầu cho các nghệ sĩ blues jazz, rồi sau đó là các nghệ sĩ pop rock chuyên bắt nhịp cầu nối bằng cách chơi nhạc hỗn hợp (fusion).
Hầu như vào cùng một thời điểm, nhóm Tứ Quái The Beatles ghi âm bản nhạc And I Love Her, với một chút âm hưởng La Tinh, vì lần đầu tiên Ringo Starr dùng trống bóngo và dùi gỗ (claves) để chơi bài này. Theo Ringo Starr, việc sử dụng nhạc khí La Tinh một phần là do ảnh hưởng của tình khúc Besame Mucho mà nhóm The Beatles thường đưa vào tour biểu diễn của họ từ năm 1962. Một khi được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha (Eu Te Amo của Roberto Carlos), tiếng Ý (La Tua Voce) rồi tiếng Tây Ban Nha (bài có ít nhất là hai lời), tình khúc And I Love Her hiển nhiên trở thành giai điệu không thể thiếu trong bộ sưu tập La Tinh.
Chính với nỗ lực hòa quyện, sáng tạo kết hợp ấy mà Carlos Santana trình làng tập nhạc để đời Abraxas. Một cách tài tình, Santana vay mượn lại ca khúc Black Magic Woman của Peter Green và nhóm Fleetwood Mac để rồi thổi vào đó (khi hoà quyện với điệu Gypsy Queen của Gábor Szabó), một chút phép ma gợi tình, tà thuật La Tinh. Santana cũng dùng nhạc rock để khoác áo mới cho bản cha cha Oye Come Va của ông hoàng mambo Tito Puente, soạn nguyên tác Samba Pa Ti thành một bản slow rock mềm mại phiêu diêu, rất gần giống với các bài power ballad, nhưng không kém phần cuồng nhiệt đam mê, bùng cháy lửa tình.
Tay đàn khiếm thị José Feliciano, một khi đặt thêm lời tiếng Tây Ban Nha cho Samba Pa Ti, biến ca khúc này thành một trong những bản nhạc pop La Tinh để đời. Nỗ lực bắt nhịp cầu nối của Santana đã manh nha từ 4 năm trước đó, vì vào năm 1969, nhóm này từng phối lại bài Evil Ways theo nhịp điệu La Tinh, sau khi khám phá ca khúc Spanish Grease của tay trống Willie Bobo và của tay đàn nhạc jazz Clarence ‘’Sonny’’ Henry. Bài hát Evil Ways khi có thêm ca từ tiếng Tây Ban Nha qua phần diễn đạt của Jon Secada cũng trở thành một bản nhạc La Tinh kinh điển.
Vào giữa những năm 1970, nếu như công chúng chủ yếu nghe các bản nhạc nhẹ phối theo phong cách pop của Roberto Carlos người Brazil và Julio Iglesias người Tây Ban Nha, thì từ đầu thập niên 1980 trở đi giới trẻ khám phá pop La Tinh qua kênh truyền hình ca nhạc MTV. Từ năm 1984, ca sĩ Selena bắt đầu thành danh nhờ dòng nhạc tejano, dòng nhạc này tuy diễn giải lại các thể điệu truyền thống norteño và conjunto theo phong cách mới, nhưng do mang nhiều nét văn hóa đặc thù của cộng đồng người Mêhicô ở Texas, nên khó mà chinh phục châu Á hay châu Âu.
Một trong những gương mặt đầu tiên có nguồn gốc La Tinh nhưng thành công trong việc chinh phục giới trẻ ngoài cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha là ca sĩ Gloria Estefan. Cùng với nhóm Miami Sound Machine, cô đi hát từ năm 1977, nhưng mãi đến năm 1984, Gloria Estefan mới bắt đầu gặt hái thành công, trở thành một trong những diva nhạc pop và nhờ vậy mà mở đường cho lớp nghệ sĩ La Tinh đi sau như Ricky Martin, Jennifer Lopez, Shakira, Marc Anthony, Alejandro Sanz chinh phục toàn cầu từ giữa những năm 1990 trở đi.
Cũng cần biết rằng, mãi đến năm 1994, tạp chí chuyên ngành mới lập ra danh sách các bài hát La Tinh thịnh hành trên các làn sóng truyền thông (Latin Pop Airplay), giúp cho người nghe khám phá những tên tuổi mới như Juanes, Andrés Cabas hay Juan Luis Guerra. Đến đầu những năm 2000, giải thưởng âm nhạc Latin Grammy mới chính thức ra đời. Cả hai điều này cho thấy là pop La Tinh được công nhận như các thể loại khác trong âm nhạc phổ thông.
Việc sáp nhập nhạc pop La Tinh vào dòng chính (mainstream) được thấy từ giữa những năm 1980. Một bên là nỗ lực vươn ra biển lớn của các nghệ sĩ có nguồn gốc La Tinh, và một bên là các nghệ sĩ Âu Mỹ thường là da trắng, như Madonna, Sting, Cher hay George Michael gợi hứng vay mượn các nhịp điệu La Tinh để chinh phục thêm nhiều đối tượng trung thành.
Nhạc phẩm La Isla Bonita ra đời trong bối cảnh trỗi dậy của nhạc pop La Tinh. San Pedro, hòn đảo nên thơ hữu tình mà Madonna nhắc tới trong bài hát chỉ là một địa danh hư cấu, không có thật trên bản đồ. Tựa như giấc mộng ngày lành, bài hát mô tả một phong cảnh đẹp như tranh, gió ấm thì thầm biển xanh trong suốt, nơi mà nhân vật thả hồn theo tiếng gió thổi, níu kéo thời gian đôi cánh, ngày tháng đừng quá trôi nhanh. Bài hát La Isla Bonita ngợi ca ma lực quyến rũ đầy nét mê hoặc bí ẩn trong tâm hồn người La Tinh. Chớp mắt tựa chiêm bao, kiếp trước hay kiếp sau, những giai điệu La tinh tình tứ ngọt ngào, thuần phục hồn ta không biết từ thuở nào.
TỪ KHÓA : Văn hóa – Châu Mỹ Latinh – Âm nhạc – Nhân vật – Tạp chí