Thanh Hà RFI
Gần như vắng bóng trong mùa festival 2014, lần này điện ảnh Châu Á được ban tổ chức dành cho một chỗ đứng quan trọng với 3 bộ phim tranh Cành Cọ Vàng, với 8 phim được trình chiếu ở hạng mục Un Certain Regard. Phim ảnh Châu Á hiện diện ở tất cả những chương trình của Liên hoan Cannes lần thứ 68.
Tối Chủ Nhật 24/05/2015 Ban giám khảo sẽ công bố bảng vàng. Kore Eda của Nhật, Giả Chương Kha của Trung Quốc hay đạo diễn bậc thầy người Đài Loan, Hầu Hiếu Hiền sẽ đăng quang ? Phim của Giả Chương Kha, « Sơn hà cố nhân » nói về những chuyển biến trong xã hội Trung Quốc xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ tuy được yêu thích, nhưng có lẽ khó qua mặt được bộ phim võ thuật của Đài Loan, « Nhiếp Ẩn Nương ».
Riêng về phần đạo diễn Nhật Bản, Hirokazu Kore Eda với bộ phim rất đẹp mắt « Unimachi diary – Em gái của chúng ta » được nhiều người khen, nhưng cũng lắm kẻ chê. Mối quan hệ máu mủ ruột thịt, gia đình luôn là đề tài được đạo diễn Nhật Bản này đưa vào phim của ông. « Nobody Knows » đã đem về giải thưởng dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất của Cannes năm 2004. Cách nay hai năm, Ban giám khảo dưới sự chủ tọa của đạo diễn người Mỹ Steven Spielberg đã dành tặng Giải thưởng của Ban giám khảo cho « Soshite Chichi ni Naru -Cha Nào con nấy ».
Lần này là câu chuyện của ba chị em đón cô em cùng cha khác mẹ về chung sống dưới một mái nhà. Người khen thì cho rằng, sau những « Still walking », hay « Distance » … Kore Eda với « Unimachi diary » đã nêu lên rất nhiều câu hỏi về liên hệ phức tạp giữa những thành viên trong một gia đình và không ai có giải đáp cho những câu hỏi đó. Phim của Kore Eda không khỏi làm mọi người liên tưởng đến những tuyệt tác của đại diễn Yasujiro Ozu cộng với một chút gì ông vua trong thể loại phim hoạt họa Hayao Miyazaki.
Kẻ chê thì nhận thấy Kore Eda bắt đầu lập lại một số những thể loại mà anh đã nhiều lần khai thác, nhưng về thực chất thì tác phẩm mới nhất của đạo diễn Nhật Bản lại không mãnh liệt bằng « Cha nào con nấy » cách nay hai năm. Thậm chí có những nhà phê bình cho rằng, Kore Eda đã mượn những hình ảnh và những nốt nhạc tuyệt vời để ru ngủ khán giả. Về thực chất, « đó chỉ là một bộ phim rỗng tuếch ». Liệu rằng chín thành viên Ban giám khảo Cannes năm nay có chia sẻ những nhận xét đó hay không ?
Bánh nhân đậu đỏ của Kawase
Còn ở hạng mục Un Certain Regard- Nhãn quan độc đáo, « AN » của một nhà làm phim Nhật Bản khác rất quen thuộc với Cannes, là Naomi Kawase khai mạc chương trình trong số 19 bộ phim tranh tài. « AN » xoay quanh ba nhân vật chính : Sentaro, Tokue và Wakana. Sentaro là một anh bán dorayaki, một loại bánh kẹp nhân đậu đỏ truyền thống của Nhật Bản. Tokue là một bà cụ già làm bánh ngon hơn ai hết. Wakana là một cô nữ sinh lui tới quán bán bánh của Sentaro vì thích món ăn đặc sản này. Bánh kẹp nhân đậu đỏ, và nỗi cô đơn là mẫu số chung của ba nhân vật.
Trả lời báo chí tại Liên hoan Cannes, Naomi Kawase cho biết cô dựng phim từ một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Durian Sukegawa. Cô đã viết kịch bản từ thư viện của một trung tâm bệnh xá, xưa kia là nơi giữ những người nhiễm bệnh phong. Nhưng AN trước hết là một tác phẩm để nói về nỗi bất công của một chế độ tước đoạt quyền được sống của những người bị bệnh cùi.
” Đúng là chủ đề đó đã ám ảnh tôi. Điều kiện sống của những người mắc bệnh này tại Nhật Bản, vị trí của họ trong xã hội, cái nhìn của xã hội chung quanh là những gì tôi muốn đề cập đến trong phim. Tôi nghĩ là nước Nhật đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi gạt hẳn họ ra bên lề, không muốn trông thấy họ, đâu đó như đã chối bỏ quyền của những bệnh nhân này được sống. Ngày nay thế hệ trẻ ở Nhật không hề hay biết về chính sách đối với những người bị bệnh cùi trong quá khứ. Thật là xấu hổ là một quốc gia như Nhật Bản lại có thể đối xử với con người như vậy. Phim của tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng chúng ta đừng quên lỗi lầm đó và cũng đừng bao giờ để những hình thức phân biệt đối xử phải lập lại.
Tuy nhiên tôi cũng muốn nói là chủ đề này chỉ là một phần trong phim, chỉ là một ẩn dụ nói lên tất cả những thái độ hay bất kỳ một hình thức phân biệt đối xử nào khác, những hành vi phân biệt đối xử đó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, nhắm vào bất kỳ một đối tượng nào, chứ không nhất thiết phải là những nạn nhân mắc bệnh cùi, và cũng không nhất thiết chỉ diễn ra trên quê hương tôi là Nhật Bản. Đây là một vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết nay mai. Nhưng qua những cái bánh dorayaki kẹp nhân đậu đỏ tôi hy vọng đưa thông điệp của mình đến được với công chúng một cách rộng rãi, để con người không bị phân biệt dưới ất kỳ một hình thức nào “.
Về phần tác giả cuốn sách « AN » Durian Sukegawa ông trở lại với bất công với trách nhiệm của xã hội đối với những người bị bệnh :
« Tại Nhật cho tới năm 1996 luật kỳ thị người mắc bệnh cùi mới được bãi bỏ, bệnh nhân bị cách ly và phải sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ đã và vẫn còn bị phân biệt đối xử trong một thời gian dài. Cách duy nhất nghĩ về những người mắc mệnh cùi là hãy nhìn vào những gì họ làm ra từ đôi tay. Họ là những họa sĩ, những nhà thơ, những nghệ nhân vô cùng sâu sắc. Những sáng tác của họ khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, về sự sống, và nhất là về sự hiện hữu của tất cả chúng ta trên trái đất này. »
Khác với những bộ phim trước đây như Still the water hay Suzaku … lần này Kawase điều khiển một dàn diễn viên gạo cội với những tên tuổi như Kirin Kiki và Masatoshi Nagase. Trả lời báo chí, đạo diễn Nhật Bản giải thích về sự cộng tác của cô với hai diễn viên rất nổi tiếng này trên xứ hoa anh đào.
« Đúng là khác với những lần trước, lần này tôi làm việc với hai diễn viên mỗi người đã có trên dưới ba mươi năm kinh nghiệm. Cộng tác với họ, tôi thấy thoải mái và yên tâm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng mà tôi luôn tìm kiếm nơi một diễn viên, là cách họ thể hiện nhân vật, họ phải lột tả được cả hình dạng bề ngoài lẫn thế giới nội tâm của từng nhân vật trong phim. Còn đối với Kirin Kiki và Masatoshi Nagase hai diễn viên chính trong phim, tôi nghĩ tham gia vào « AN » là một kinh nghiệm rất khác với những gì họ đã biết trước đó, cách làm việc của tôi không giống những người khác. Phải nói là tôi rất biết ơn Kirin Kiki và Masatoshi Nagase. Họ đã cho tôi cơ hội để làm việc với họ, đã để cho tôi điều khiển họ và nhất là cả hai diễn viên dày kinh nghiệm này đã tôn trọng cách làm việc của tôi » …
Về phần mình nữ diễn viên Kirin Kiki trong buổi họp báo tuần trước ở Cannes, bà cho biết cảm nghĩ khi đóng phim dưới sự điều khiển của Naomi Kawase :
« Làm việc với Naomi Kawase là một kinh nghiệm khá khó khăn nhưng cũng đầy thú vị chính vì thế mà tôi hy vọng là có nhiều nghệ sĩ sẽ được cộng tác với Kawase. Tuy nhiền về phần cá nhân tôi, nay đã ngoài 70, tôi nghĩ đây là lần đầu mà có lẽ cũng là lần cuối !».
Riêng Masatoshi Nagase anh cho biết thêm : « Đúng là công trình mà chúng tôi mới hoàn tất với Naomi Kawase là một thách thức nhưng lại vừa rất lạ. Kawase bắt chúng tôi phải thực sự nhập vai các nhân vật – Tokuê đối với Masatoshi Nagase hay vai Sentaro trong trường hợp của tôi. Trong suốt thời gian tham gia vào dự án này, tôi đã phải sinh hoạt, ăn ở như Sentaro vậy. Thực lòng mà nói, tôi đã học hỏi nhiều từ kinh nghiệm đó và dù là Naomi Kawase đã bắt tôi phải trải qua nhiều thử thách nhưng tôi vẫn hy vọng được làm việc với cô ấy trong một dự án khác ».
Kawase từng đoạt giải Ống kính vàng của Cannes năm 1997 với Suzaku và Giải thưởng của Ban giám khảo với « Mogari No Mori- Rừng chết ».
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến nhiều bộ phim Hàn Quốc được ban tổ chức đưa vào chương trình của Liên hoan : đó là « Madona » của Shin Su won, « The Shameless » của Oh Seung Uk, « O Piseu » của Hong Won Chan.
Đại diện cho điện ảnh Đông Nam Á thì phải kể đến bộ phim tài liệu về nạn nhân bão Haiyan của đạo diễn Philippines Brillante Mendoza, « Taklub » và nhất là « Cemetery of Splendour » của đạo diễn Thái Lan, Apichatpong.
Nhựa sống của điện ảnh Pháp
Nhìn đến các bộ phim Pháp, lần này 5 trong số 19 bộ phim tranh cành Cọ Vàng mang màu cơ xanh trắng đỏ. Chưa kể là ở tất cả các hạng mục khác, nhiều phim Pháp cũng được mời tham gia, và nhất là có vinh dự khai mạc các chương trình như Semaine de la Critique hay Quinzaine des réalisateurs.
Guillaume Nicloux, Stéphane Brisé, Valérie Donzelli …đại diện cho điện ảnh Pháp tranh Cành Cọ Vàng, Thierry Frémaux, chủ nhiệm chương trình chọn lọc các phim tranh tài cho rằng, điện ảnh Pháp đang thăng hoa và ban tổ chức đã rất lúng túng vì có quá nhiều phim hay :
« Thực ra có đến 10 phim Pháp hoàn toàn xứng đáng để tranh Cành Cọ Vàng, 10 trên tổng số 19 phim được chính thức bình chọn năm nay. Điều đó cho thấy sức mạnh của điện Pháp vào thời điểm này là như thế nào. Một điều đáng mừng nữa là chúng ta ngày càng có nhiều các nhà làm phim trẻ rất tài hoa, nhờ đó có được một sự giao lưu giữa các thế hệ của các nhà làm phim. Tôi tiếc là đã không thể đưa hết tất cả những bộ phim có giá trị vào chương trình chính thức của Liên hoan Cannes ».
Về phầm mình ông Charles Tesson, chủ nhiệm chương trình Semaine de la Critique, đã chọn phim Pháp « Les Anarchistes » của đạo diễn Elie Wajeman để khai mạc chương trình năm nay. Tesson hài lòng khi thấy các nhà đạo diễn trẻ đã chọn những chủ đề đầy tham vọng, nhìn lại lịch sử :
« Đây là một thách thức lớn đối với các nhà làm phim trẻ. Phim khai mạc Tuần lễ dành cho các nhà phê bình tập trung nói về một nhóm nằm vùng trà trộn vào Paris với ý đồ lật đổ chế độ ở thời kỳ cuối thế kỷ thứ XIX đó là một giai đoạn nhiễu nhương. Một bộ phim tranh tài khác thì đưa lên màn ảnh chuyện của những người lính Pháp tham chiến ở Afghanistan … Tôi nhận thấy là đang có một sự chuyển biến lớn trong dòng sáng tác của các đạo diễn trẻ. Đó là điều hết sức thú vị ».
Trả lời đài RFI Xavier Lardoux giám đốc Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, CNC cho biết lượng khá giả đến rạp phá kỷ lục trong năm vừa qua và đó là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy sức mạnh của phim ảnh Pháp trong những năm gần đây.
« Trong năm 2014 đã có 209 triệu lượt người mua vé xi-nê để xem phim ở rạp. Cũng trong năm qua 274 bộ phim Pháp đã được công chiếu. Điện ảnh Pháp chiếm hơn 44 % thị phần trên toàn quốc. Đó là những dấu hiệu cho thấy nghệ thuật thứ bảy của Pháp đang trong một chu kỳ thịnh vượng. Đáng mừng hơn nữa là nhìn rộng ra Châu Âu, thì phim Pháp cũng rất được ưa chuộng tại các nước như Ý, Đức, Tây Ban Nha hay Anh Quốc ».
Về phần mình, nhà sản xuất Fabrice Préel -Cléash sáng lập viên công ty tài trợ cho các dự án làm phim OFFSHORE lưu ý, là đối với các đạo diễn trẻ, môi trường cạnh tranh ngày càng thêm gắt gao :
« Ngày càng hiếm các bộ phim thực hiện với những kinh phí lớn và có thể nói là khối lượng phim với những ngân sách cỡ trung bình một vài triệu euro thì cao hơn trước. Nhưng riêng đối với những bộ phim đầu tay, để thực hiện đến nơi đến chốn một dự án như vậy là cả một vấn đề. Các đạo diễn trẻ rất khó tìm nguồn tài trợ. Tư nhân không quan tâm nhiều đến những nhà làm phim chưa nổi tiếng. Các đạo diễn trẻ chỉ có thể trông chờ vào các quỹ hỗ trợ của nhà nước.
Nhưng đây đặt ra một thách thức khác, khi biết rằng mỗi tuần có trên một chục phim mới được cho ra mắt công chúng. Thành thử cũng có một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng phim, giữa các nhà làm phim. Làm thế nào để tất cả hơn một chục bộ phim đó cùng đến được với khán giả, để có được rạp chiếu phim, để được quảng cáo rộng rãi … »