Tuy thời tiết có se lạnh, nhưng khi đi đến đâu cũng rộn ràng nhửng giai điệu của dòng nhạc Xuân và các chợ đã bày bán nào bánh mứt, trái cây, cây kiểng, bánh tét, bánh chưng làm cho chúng ta liên tưởng đến ngày xuân quê nhà
Chữ xuân gợi đến cảm tưởng một sự gần gủi và những mong đợi đón chờ, tuy rằng năm nào cũng có xuân, với những ngày cuối năm bận rộn và những ngày đầu năm rộn ràng mừng xuân đến.
Không khí của những ngày đầu xuân luôn cho ta cảm giác nhẹ nhàng đầy nỗi hân hoan.
“Chất Xuân” có một cái gì làm lòng ta ấm lại. Dù là người đơn độc đón xuân với cái quạnh hiu của mình, hay là người may mắn hạnh phúc đón xuân với gia đình, không ít thì nhiều chúng ta đều có cảm giác nao nao. Có phải cái tâm trạng khá phức tạp và nỗi cô đơn của con người đã tạo cho ta cái xao xuyến trong hơi hưởng linh thiêng của những ngày mừng Xuân đón Tết?
Nam Anh diễn đọc:
Sao buổi đầu xuân êm ái thế !
Cánh hồng kết những nụ cười tươi …
Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng, lá xôn xao
Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào
(Xuân Diệu)
Và thi sĩ Đinh Hùng cũng diễn tả niềm nao nao đó bằng những tiếng thơ sau qua hình ảnh một thiếu nữ đang độ xuân thì đang nhung nhớ người yêu:
Giấc mộng chiều nao vắng bóng anh,
Mắt em như nắng giãi hoang thành.
Hồng lên má phấn, hoa bừng tỉnh,
Xuân với em vừa lả tóc xanh.
( Đinh Hùng)
1-Nhạc Xuân Tha Hương
Mùa Xuân đến với đất trời vũ trụ. Hầu như khắp chốn nhân gian, dân tộc nào cũng hân hoan chào đón bằng những tục lệ gọi chung bằng danh từ là Lễ Tết. Riêng cọng đồng Việt Nam ở Hải ngọai cũng vui xuân đón Tết và tấm lòng luôn luôn hướng vọng về quê hương trong niềm nhung nhớ những tục lệ cổ truyền của dân tộc Lạc Hồng. Vậy chúng ta nhân dịp này mà trò chuyện tản mạn nhắc lại những điều hay những danh từ về ngày Tết, đối với những thế hệ cao niên thì có thể nói là quen thuộc vì chúng đã ăn sâu bắt rễ vào tâm trí của chúng ta, tuy nhiên đối với thế hệ trẻ thì nhắc lại những điều vê Tết là một điều cần thiết trong tinh thần bảo tồn văn hóa.
Trước hết là ý niệm trên ba danh từ Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên Đán được gọi là Xuân Tiết. Nguyên có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và Đán là buổi sáng sớm. Tại Việt Nam mùa xuân được tính bắt đầu từ tiết lập xuân, khoảng ngày 5 tháng 2 và kết thúc vào tiết lập hạ, khoảng ngày 5 tháng 5.
Xuân đến rồi kia xuân đến rồi
Hèn nào hoa nở rộ trong tôi
Đào? Mai?
Không, chỉ bừng hoa lựu
Gốc tự miền Nam, đất bỏng sôi
2-Nhạc: Xuân Đến rồi
Nếu chúng ta dò theo Âm lịch thì mùa xuân bắt đầu từ tiết xuân phân và kết thúc vào tiết hạ chí.. Theo Khoa Khí Tượng, mùa xuân bao gồm toàn bộ các tháng Ba, Tư và Năm ở Bắc bán cầu và tại Nam bán cầu là thời gian của các tháng Chín, Mười và Mười Một.
Vào Mùa xuân, trục quay của Trái Đất nghiêng tăng dần về phía Mặt Trời, và các giờ được chiếu sáng được tăng dần lên, bằng hoặc lớn hơn 12 giờ mỗi ngày và tăng nhanh ở các vĩ độ lớn. Bán cầu có mùa xuân bắt đầu được sưởi ấm ở một độ khá ấm áp làm cho cây cối đâm chồi nở hoa.
Trong mọi nhà Việt Nam, thường tổ chức ít nhất là ba lễ lớn đó là Tất Niên, Giao Thừa và Tân Niên. Vậy chúng ta hãy tản mạn về ba lễ này:
Lễ Tất Niên hay Tiệc Tất Niên là một mốc đánh dấu kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Chữ Tất có nghĩa là xong, là hết; chữ Niên là năm, Tất Niên là kết thúc một năm – 365 hay 366 ngày của năm cũ sắp qua, sẵn sàng bước vào năm mới. Thời gian như con tàu vũ trụ, cứ trôi mãi; quả địa cầu tiếp tục xoay và xoay mãi chung quanh mặt trời, nhưng khi nó quay được một vòng là xong một năm. Cuộc sống cũng vậy, cứ trôi mãi nhưng có lúc khởi đầu và có lúc kết cuộc.
Dầu ai đi đó đi đâu,
Nhớ ba ngày Tết ngày xuân mà về.
Vì là ngày sum họp gia đình nên có tiệc tất niên, thường tổ chức vào buổi chiều hay buổi tối cuối năm. Mọi người quây quần bên những món ăn, để cùng đón giao thừa, và mừng năm mới. Họ hưởng được bầu không khí thật êm đềm, ấm cúm và tràn ngập niềm vui sau một năm tất bật làm việc, chạy đua với thờ gian, vật lộn với cuộc sống.
Thức ăn cho buổi tiệc tất niên cũng nói lên sở thích của từng miền trên đất Việt. Hầu như tiệc tất niên của người miền Bắc đều có gà luộc lá chanh, giò thủ; còn người miền Nam, lúc nào cũng có tôm khô, củ kiệu, thịt kho nước dừa ăn chung với dưa giá.
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát.[14]
Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.[15]
Ba ngày Tân niên
“Ngày mồng Một tháng Giêng” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
“Ngày mồng Hai tháng Giêng” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
“Ngày mồng Ba tháng Giêng” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy[17]. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.
4-Nhạc: Xuân Quê Em
Hôm nay, chúng ta hảy duyệt lại những tục lệ của dân Việt nam đã chuẩn bị ăn Tết ra sao? thời gian cuối tháng chạp là thời gian mà hầu như mọi đứa trẻ nao nức mong cho ngày Tết mau đến mặc kệ không chú ý người lớn cha mẹ lo chạy tiền mua sắm cho đầy đủ vào ba ngày Tết.
Người Việt mình vẫn có quan niệm rằng Tết là một sự khởi đầu nên cái gì cũng phải mới nên thi sĩ Tú Xương mới trào phúng về cái tục lệ chuộng mới mẻ này qua những câu sau:
Đã bảo nhau rằng mới với me, Thấy ai mặc cũ, chẳng ai nghe
Về Áo quần mới: Thời gian vài tuần trước Tết thiên hạ đua nhau nô nức mua sắm thức ăn, vật dụng, đặc biệt là quần áo mới. Chợ búa phố phường trong việc buôn bán của dịp Tết thường sẽ chấm dứt đúng buổi trưa ngày 29 hoặc 30 tháng chạp. Đây là lần đầu tiên trong suốt một năm chợ búa phố phường trở nên vắng vẻ và các sạp hàng sẽ trống không. Tại các bến xe tấp nập những người xa quê vội vả mua vé xe để trở về đoàn tụ cùng gia đình sau những tháng năm dài tha phương cầu thực. Không khí Tết nhộn nhịp hơn và người người nô nức rộn ràng chuẩn bị đón xuân.
Về sự Sơn quét nhà cửa: khoảng mười ngày trước Tết người ta thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp Tết.
Chuẩn bị bàn thờ , đánh bóng đồ đồng lư hương, chân đèn, mua tranh Tết ở các chợ Tết, nhất là mua Hoa
Mua sắm hoa cho Ba ngày Tết nhà nhà chưng đầy hoa, tùy theo ý thích của mỗi nhà, mỗi miền. Các lọai hoa được chưng bày ba ngày Tết thường là hoa Mai, hoa Đào, Thủy tiên, Vạn thọ, Thược dược, Hồng, Cúc, Cúc đại đóa… Hoa đào nở vào ngày Tết rất được ái mộ ở miền bắc Việt Nam. Miền Trung, đặc biệt xứ Huế, mọi nhà đều có một cành mai vàng nở rộ cắm vào một chiếc ché lớn đặt trong phòng khách, treo đầy thiệp chúc Tết của bà con bạn bè và những người mình giao dịch buôn bán làm ăn. Trong ngày Tết màu đỏ được xem là màu đem đến sự phát tài và may mắn. Trong những ngày đầu năm của cái Tết Việt Nam ngập tràn màu đỏ: dưa hấu đỏ, câu đối đỏ, bao lì xì mầu đỏ, hạt dưa đỏ, quyển lịch đỏ, và hoa trước sân nhà, hoa chưng trong phòng khách, trong chậu kiểng là những loại hoa sắc hồng đỏ.
5- Xuân và Tuổi Trẻ
Hoa mai, hoa đào: Sau Giao Thừa, qua đến sáng Mồng Một Tết, nếu hoa mai nở thêm nhiều và đầy đặn, đặc biệt mai có hoa 5 cánh, thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh. Nếu cây hoặc cành đào có nhiều cánh hoa kép 3 lớp trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc nguyên năm. Cây kim quất: chưng trước sân nhà hay trong phòng khách nếu có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc. Nếu có đủ Tứ quý: quả chín, quả xanh, hoa và nụ thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm.
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, dân VN cổ truyền còn có Tục treo câu đối đỏ hay Tranh Tết
Nói chuyện tản mạn về tục lệ đón Xuân mừng Tết thì chúng ta nói hàng giờ không hết chuyện.
Xin hẹn Kỳ tới, chúng ta sẽ mạn đàm về những tực lê khác như lễ Đưa Ông Táo và Tết Tân Niên.
Vì trên phương diện chung cho cả dân tộc thì có bao nhiêu chuyện thuộc văn hóa mấy ngàn năm văn hiến của nước ta còn trên phương diện của mỗi cá nhân thì tâm tư của chúng ta lại đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu. Hơn nữa hòan cảnh tha phương của chúng ta khiên lòng ta trăm mối tơ vò nhung nhớ phải không?
Chuẩn bị cho cái tết Ất M ùi, xin gửi lời trân trọng thân kính chúc quí vị thính giả bốn phương một năm đầy an khang thịnh vượng ’ngũ phúc lâm môn” nhưng tâm hồn luôn luôn hướng vọng về quê nhà VN và nguyện xin Ơn trên và hương linh tiên tổ luôn luôn độ trì cho dân tộc và nước nhà hưởng sự thái bình hạnh phúc cho tòan dân.
Sưu tầm trên www
o O o
TTVNHTD Vietnamese Radio of Washington DC / https://www.fcac.org/