“Thẹn thùa dở khóc dở cười,
Treo gương khôn dại cho đời soi chung”
Hồ Biểu Chánh
Năm 1928, là lúc bắt đầu thuật truyện nầy, thì thím giáo Điểu đã được 39 tuổi, còn đứa con gái lớn của thím, tên là Đặng Thị Hảo, được 18 tuổi, đứa con trai giữa, tên Hòa được 12 tuổi và đứa con trai út, tên Hiếu, được 7 tuổi.
Đặng thị Hảo ở nhà một mình, cô buồn nên nằm trên võng đưa cọt-kẹt, mặt buồn hiu. Tuy cô là con nhà nghèo, thường ngày phải nấu cơm, xách nước, bửa củi, quét nhà, đến mùa làm ruộng lại còn phải phụ với mẹ mà cấy gặt, song cô đã sẵn có dung nhan tuấn tú, nước da trắng đỏ, cặp mắt sáng ngời, gò má như miếng bầu, chơn mày như bán nguyệt, bàn tay dịu nhĩu mà ngón lại thon như mũi viết, mái tóc đen thui mà hơi quăn như dợn sóng, tướng đi yểu điệu, tiếng nói trong ngần, bởi vậy dầu cô lam lũ mà sắc cô không phai, hết thảy đờn bà trong làng ai cũng trầm trồ khen cô là gái đẹp. Cô đã có sắc, mà lúc còn nhỏ nhờ có cha kềm dạy, nên cô lại biết chữ nho, biết làm thi nôm, sự học thức ấy làm cho cao phẩm giá của cô, bởi vậy những con nhà nghèo, hoặc con hương-chức nhỏ trong làng không có một mặt nào dám gắm ghé.
Đọc Truyện “Cười Gượng” trên http://hobieuchanh.com/