Hơn hai trăm ngàn lượt khách thăm viếng. Đó là kết quả đầu tháng 6 về số lượng người đi xem triển lãm về thần tượng nhạc rock David Bowie. Cuộc triển lãm này được tổ chức tại Nhà hát giao hưởng mới Philharmonie de Paris. Từ khi mở cửa đón công chúng hồi trung tuần tháng Giêng vừa qua, số khách viếng thăm công trình kiến trúc này cũng như số khán giả đi xem biểu diễn tại nhà hát Philharmonie de Paris lên tới gần cả triệu.
Trong những tháng vừa qua, thủ đô Pháp liên tục tổ chức những sinh hoạt văn hóa hầu giới thiệu với công chúng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris. Vào những ngày cuối tuần, nhà hát này mở cửa đón tiếp khách thăm viếng, qua các sinh hoạt như triển lãm về kiến trúc, tham quan xưởng nhạc khí hay các lớp giảng dạy âm nhạc.
Được khánh thành vào hôm 14/01/2015, nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris là một quần thể bao gồm một hội trường với 2.400 chỗ ngồi dành riêng cho các buổi hòa nhạc với quy mô lớn, nhiều sàn diễn nhỏ bên cạnh dành cho các buổi tập dợt, một viện bảo tàng âm nhạc, một thư viện lưu trữ, một không gian giải trí thư giãn với hàng quán, thư phòng, hiệu sách …
Về mặt kiến trúc, Nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris là một dự án đầy tham vọng và có lẽ cũng vì thế mà công trình xây dựng trở nên tốn kém. Nhìn từ không trung, quần thể này giống như một quả tim bằng kim loại, màu sắc lấp lánh thay đổi tùy theo ánh sáng tự nhiên ban ngày. Nhìn từ mặt đất, nhà hát lại giống như một ngọn đồi kiên cố với chiều cao hơn 50 thước, bao bọc bằng thép bạc và thủy tinh. Tọa lạc ở phía đông bắc Paris, trong khuôn viên Parc de la Villette, nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris bổ sung cho quần thể Cité de la Musique và sân khấu biểu diễn Zénith, không phải là dấu gạch nối mà lại tạo mô hình đối trọng theo thế chân vạc.
Sau nhiều lần bị gián đoạn trì hoãn, cuối cùng dự án nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris cũng được hoàn tất vào đầu năm nay, sau gần 8 năm xây cất. Tuy nhiên, công trình thiết kế của kiến trúc sư Jean Nouvel, người đã từng làm nên Viện Thế Giới Ả Rập tại Paris (Institut du Monde Arabe) và viện bảo tàng Louvre tại Abu Dahbi, đã gây ra rất nhiều tranh cãi, vì tổng chi phí lên tới 386 triệu euro, tức là đã tăng hơn 60% so với dự kiến ban đầu là 234 triệu euro. Tranh cãi vì thế mà càng trở nên sôi nổi dữ dội hơn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nước Pháp có chính sách thắt lưng buộc bụng và phải tiết kiệm các chi tiêu công cộng …
Thế nhưng trước khi bàn thêm về các cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề phí tổn, giới chuyên ngành đã thử nhìn xem công trình này có xứng đáng với phí tổn của nó hay không. Theo lời nhạc sĩ Renaud Capuçon, tay đàn violon nổi tiếng hàng đầu của Pháp tham gia biểu diễn trong đêm khánh thành ngày 14 tháng Giêng vừa qua thì nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris là địa điểm lý tưởng cho các buổi trình diễn lớn. Mái nhà hình vòm cung, lợp toàn bằng gỗ mộc, giúp cho âm thanh thêm trong sáng rõ ràng, dù người chơi đàn có đánh ở cường độ nào thì âm thanh vẫn sắc nét, không bị bóp méo hay vướng mắc bởi mô hình kiến trúc, điều đó tạo cho giới nhạc sĩ một cảm giác dễ chịu thoải mái.
Còn theo lời ông giám đốc kỹ thuật André Emmanuel, đặc điểm của nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris là các ‘’gác lững’’. Khác với mô hình truyền thống trước đây, theo đó khán đài ngồi đối diện với sân khấu, bây giờ khán giả ngồi ở xung quanh sàn diễn, và độc đáo hơn nữa là các ban công treo lơ lững bao bọc trung tâm sân khấu, điều đó giúp cho không khí và âm thanh lan truyền một cách tự do, người ngồi xem biểu diễn không còn có cảm giác làn sóng âm thanh chỉ đến từ một phía, mà lại quấn quanh bao phủ tứ bề, như thể khán giả đang ngụp lặn trong không gian âm nhạc. Để thực hiện điều mà ông André Emmanuel gọi là ‘’hiệu ứng kỳ quan’’, giới chuyên viên kỹ thuật đã phải dày công nghiên cứu ứng dụng của các nhạc khí, nhất là bộ đàn gió.
Về phần mình ông Laurent Bayle, giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, đã đến lúc thủ đô Paris tạo cho mình một nhà hát có tầm cỡ tương xứng với uy tín của một trong những trung tâm văn hóa quốc tế hàng đầu. Luân Đôn, Berlin, New York hay Sydney đều đã có nhà hát giao hưởng hiện đại. Paris trước kia có nhà hát Pleyel, nhưng sân khấu này đã trở nên lỗi thời với công nghệ âm thanh hiện đại. Theo ông Laurent Bayle, (từng là học trò của Pierre Boulez) mục tiêu của nhà hát giao hưởng đi xa hơn nữa (so với sân khấu Pleyel) bởi vì Philharmonie de Paris không đơn thuần là một sân khấu biểu diễn, một phòng nhạc hòa tấu mà còn là một cơ sở nghiên cứu và giảng dạy.
Từ trước tới nay, dòng nhạc giao hưởng cổ điển nổi tiếng là kén chọn khán giả, khép kín trong tháp ngà. Đã đến lúc dòng nhạc này mở rộng cánh cửa để đón tiếp công chúng. Chính cũng vì thế mà nhà hát Philharmonie de Paris ngoài việc tiếp đón các dàn nhạc giao hưởng, còn đưa vào trong chương trình các buổi biểu diễn nhạc jazz, nhạc rap, nhạc phổ thông … qua nỗ lực bắt nhịp cầu nối giữa các thể loại âm nhạc khác nhau (cuộc triển lãm về David Bowie là nhằm để phục vụ đối tượng này, ban giám đốc hy vọng thu hút thêm lớp khán giả trẻ tuổi, chứ không phải chỉ có giới sành điệu biết thưởng thức.
Nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris từng được khánh thành trọng thể. Đêm khai mạc đã tập hợp nhiều nghệ sĩ hàng đầu của Pháp trong lãnh vực nhạc cổ điển như tay đàn dương cầm Hélène Grimaud, nghệ sĩ vĩ cầm Renaud Capuçon, giọng ca nam trung (baryton) Matthias Goerne và giọng ca nữ (soprano) Sabine Devieilhe. Cùng nhau, họ biểu diễn các vở sáng tác đương đại của Thierry Escaich và của Henri Dutilleux, cũng như các trích đoạn kiệt tác của hai tác giả cổ điển hàng đầu là Gabriel Fauré và Maurice Ravel.
Tuy nhiên, có một nhân vật quan trọng hoàn toàn vắng mặt trong buổi lễ khai mạc : đó là kiến trúc sư Jean Nouvel, người đã thiết kế và quản lý công trình xây cất nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris. Tuy được mời, nhưng rốt cuộc ông Jean Nouvel đã không đến dự lễ khánh thành và điều đó cho thấy là cuộc tranh luận xung quanh dự án vẫn chưa nguôi. Kể từ khi dự án của kiến trúc sư Jean Nouvel được chấp thuận vào năm 2007, phí tổn xây dựng không ngừng tăng vọt : một phần là do giá thành tăng cao trên thị trường nguyên liệu, đặc biệt là thép, kế đến nữa là các chi phí bảo hiểm cũng lên giá. Kế hoạch xây dựng một khi bị chậm trễ, lại kéo thêm nhiều phụ phí bất ngờ khác, chẳng hạn như các phí tổn trong khâu bảo trì tăng lên gấp ba lần do kế hoạch bị gián đoạn, buộc phải xúc tiến lại.
Mối lo ngại đầu tiên xuất phát từ giới chuyên biểu diễn nhạc thính phòng và giao hưởng. So với nhà hát Pleyel, tiền thuê phòng hòa nhạc chính của nhà hát Philharmonie de Paris tăng thêm 70%. Điều đó có nghĩa là chỉ có các dàn nhạc quốc tế mới có đủ sức để trang trải chi phí, các dàn nhạc cỡ trung bình và cỡ nhỏ khó thể nào mà chen chân vào được. Với 2.400 chỗ, nhà hát cho mỗi buổi biểu diễn buộc phải bán hơn một nửa số ghế ngồi mới hy vọng huề vốn, bán hơn 60% thì mới có lời. Vậy thì phải chăng ban tổ chức khi lên lịch biểu diễn, sẽ có chiều hướng chọn những tác phẩm quen thuộc kinh điển, trong khi các vở sáng tác đương đại bị bỏ qua một bên, do hơi kén chọn khán giả.
Mối lo ngại thứ nhì xuất phát từ các nhà chuyên tổ chức liên hoan và các sinh hoạt âm nhạc, họ đặt lại vấn đề chính sách tài trợ văn hóa của nhà nước Pháp. Do trong vòng nhiều năm qua, ngân sách của bộ Văn hóa ngày càng hạn hẹp, để có thể kinh phí tài trợ dự án xây dựng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris, bộ Văn hóa Pháp cũng như hội đồng thành phố Paris buộc phải cắt giảm các khoản trợ cấp ở nhiều khâu khác, chẳng hạn như ngân sách dành cho các nhạc viện thành phố đã giảm gần 10%. Điều đó có nghĩa là cứ trên 10 lớp dạy nhạc cấp địa phương, có một lớp bị đóng cửa.
Nhiều liên hoan cấp vùng, các đoàn kịch đoàn nhạc hay các nhà hát ngoại ô buộc phải tìm các nguồn tài trợ khác để có thể tiếp tục hoạt động, một khi mất đi các khoản trợ cấp của chính phủ. Vô hình trung, dự án xây dựng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris, do quá đồ sộ khổng lồ đã nuốt nghiến một phần lớn các ngân sách mà đáng lẽ ra nên được phân bổ đồng đều hơn cho nhiều bộ môn văn hóa khác …
Công trình xây dựng nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris từ 263 triệu dự tính ban đầu lại lên tới 385 triệu euro. Có lẽ ngay chính bản thân ông Jean Nouvel cũng không ngờ là chi phí tại tăng vọt như thế. Nhưng nhìn kỹ lại, cũng hơi oan uổng nếu cứ đổ toàn bộ trách nhiệm vào đầu kiến trúc sư người Pháp. Cuộc tranh luận trở nên khá sôi nổi vì dự án Philharmonie de Paris ra đời vào một thời điểm không thích hợp : lạm phát ngân sách đồng nghĩa với phí phạm công quỹ, có nhiều ý kiến không chấp nhận vì không hiểu tại sao chính phủ lại chịu tài trợ một công trình quá tốn kém, trong khi ‘’túi tiền’’ của nhà nước lại rỗng tuếch.
Suy cho cùng, câu chuyện của nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris giống như câu chuyện về một khúc bánh ngọt được phân chia một cách không đồng đều : người giành được miếng lớn bị mắng phủ đầu, kẻ thèm miếng nhỏ chỉ còn biết than khóc với nhau.