post

“Nông-cổ mín-đàm”, tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam

Nong-co-min-damThu Hằng RFI

Tại Nam Kỳ, trước năm 1881, các thể loại báo chí đều phải được chính quyền cho phép trước khi phát hành. Điều kiện tiếp theo là chủ tờ báo phải là người mang quốc tịch Pháp. Từ khi luật tự do báo chí 29/07/1881 được ban hành và áp dụng tại Nam Kỳ thuộc địa của Pháp, mọi công dân Pháp từ 18 tuổi có quyền tự do in ấn và phát hành báo chí bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, người Việt Nam, chiếm đa số tại Nam Kỳ không được hưởng quy chế này.

Thế nhưng, đạo luật tự do báo chí trên nhanh chóng bị hạn chế bởi sắc lệnh 30/12/1898. Theo đó, các tờ báo được in bằng bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Pháp phải được chính phủ cho phép trước. Giấy phép hoàn toàn có thể bị thu hồi trong trường hợp vi phạm những điều khoản quy định.

Chính vì vậy, báo chí tiếng Việt gần như vắng bóng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Ngoài những quy định hạn chế tự do báo chí, việc người Pháp nắm độc quyền trong lĩnh vực này cũng là một lý do quan trọng giải thích hiện tượng trên. In ấn, xuất bản và báo chí là các ngành được du nhập từ Pháp nên, ngoài kỹ thuật in mộc bản thủ công, người Việt không có một chút kinh nghiệm nào. Hơn nữa, chi phí thực hiện những công việc trên vô cùng tốn kém. Đây cũng là lý do giải thích tại sao chỉ có những nhà in và những tờ báo của Chính phủ mới tồn tại được sau khi công cuộc bình định Nam Kỳ kết thúc, trước khi một số tờ báo và nhà in tư nhân Pháp ra đời trong những năm tiếp theo.

Trong suốt hơn 35 năm, làng báo chữ quốc ngữ chỉ biết đến tờ Gia-định báo (15/04/1865-31/12/1909), và sự tồn tại ngắn ngủi của hai tờ Phan Yên báoNhựt-trình Nam-Kỳ (có rất nhiều ý kiến khác nhau về ngày phát hành số đầu tiên của hai tờ báo này). Phải tới năm 1901, Sài Gòn mới có thêm một tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ khác, tờ Nông-cổ mín-đàm (Causeries sur l’agriculture et le commerce, 08/1901-11/1924).

Nông-cổ mín-đàm : tờ báo kinh tế đầu tiên

Tên của tờ Nông-cổ mín-đàm được in lớn trên trang nhất bằng ba loại chữ, Quốc ngữ, Hán và Pháp, với ý nghĩa : “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”. Đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Mục đích của việc xuất bản tờ báo được nêu rõ ở lời tựa, trong số 1: « Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiêm thành cơ chỉ qui mô. Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng “Tạo doan hồ phu phu”. Việc hiếu-sự nay đà rang rảnh tình thê nhi thêm lại rịch ràng. Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thú thê trì nông-cổ. Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi.
Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông-cổ mín-đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp »
.

Báo có tám trang, phát hành thứ Năm hàng tuần tại Sài Gòn, sau này được tăng lên mỗi tuần ba kỳ. Ban đầu, trụ sở của toà soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Sau đó, trụ sở liên tục thay đổi trước khi tọa lạc tại số 12 đường Cap Saint-Jacques, Sài Gòn.

Số đầu tiên được phát hành ngày 01/08/1901. Thế nhưng, theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ký ngày 14/02/1901, đơn yêu cầu xin « lập một tờ báo nông nghiệp bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán » được Paul Canavaggio viết cách đó 10 năm, vào ngày 24/01/1891 (?). Tờ báo tồn tại tới tháng 11/1924, khoảng hơn 20 năm, với nhiều lần thay đổi tên gọi, như : Tân đời thời báo – Journal des jeunes générations và đăng lại một số bài viết của tờ Công luận báo. Nông-cổ mín-đàm được in tại Nhà in-Hiệu sách Claude & Cie (Imprimerie-Librairie Claude & Cie), lần lượt theo khổ in-folio (dưới 40 cm), sau đó in-4° (dưới 30 cm), in-8° (dưới 25 cm) và cuối cùng là Grand in-folio (hơn 40 cm).

Chủ tờ báo, ông Paul Canavaggio, là một người Pháp, gốc đảo Corse, vừa là một chủ đồn điền, một nhà buôn muối và hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ. Ông chủ tờ báo tận dụng mục « Cáo thị » để quảng cáo hoạt động kinh doanh của mình như sau :

« Ông Canavaggio, là chủ bán muối lục tỉnh rao cho những người hay dùng muối, hoặc người hạ bạc, hoặc người làm mắm đặng rõ trong hầm muối của ông Canavaggio tại Bắc-Liệu và tại Chợ-Lớn bán rẻ cứ mỗi một trăm kilo bán một đồng tám giác. Nếu người coi tiệm bán mắc hơn giá ấy, thì phải tỏ cùng ông phân cho. Hay người nào có muốn mua nhiều, thì phải gởi thơ cho ông bán cho.

Và ông tỏ cho chư vị rõ giá của nhà quan thê ngoại ngạch, bán đến hai đồng ba cắc tư tại Chợ-Lớn, còn tại Bắc-Liệu 2 đồng bảy chiêm. Xem lại coi của ông Canavaggio, bán rẻ hơn nhiều lắm, tại Chợ-Lớn rẻ hơn năm cắc tư, tại Bắc-Liệu hai cắc bảy chiêm, mỗi trăm kilo.

Như khách nào mà ngăn trở điều chi, hãy tỏ cho ông Canavaggio, tại đường La Grandière số 84, Sài Gòn. » (Số 41, ngày 05/06/1942).

Nông-cổ mín-đàm là một tuần báo kinh tế tư nhân nên không nhận được bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào của chính phủ và buộc tự tìm cách phân phối và thu hút độc giả. Trong khi đó, các tờ công báo, như Gia-định báo, được in theo yêu cầu của chính phủ, được phát không tới các sở hành chính và trường học của Nhà nước, hay các địa phương được lệnh trích ngân sách đặt mua. Thế nhưng, dù phát hành rộng rãi khắp Lục tỉnh, số người đặt mua báo Nông-cổ mín-đàm vẫn không nhiều. Sau một năm phát hành, năm 1902, tờ báo mới có 325 người đặt mua. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì người đặt mua báo phải là những người biết chữ và có điều kiện tài chính, nên danh sách độc giả của tờ báo chủ yếu là các quan chức và điền chủ địa phương, hay các công chức nhà nước.

Một khó khăn khác mà Nông-cổ mín-đàm phải đối mặt là số người đặt mua chịu rất nhiều, tới mức tờ báo phải tha thiết năn nỉ những người còn nợ tiền thanh toán tiền báo trong mục « Bổn quán cẩn tín » :

« Bổn quán kính ít lời với chư quí hữu, sau xin trân tình cho rõ lẽ đục trong: Nhựt trình Nông-cổ mín-đàm lập từ 1er aout 1901 đến nay, cũng gần giáp một năm, nhờ ơn của các quí-hữu mua mà xem đặng ba trăm hai mươi lăm vị. Xin chư quí hữu xét coi anh em chúng tôi, chẳng những lỗ công mà thôi, mà lại lỗ tiền nữa. Tuy vậy mà đều làm hữu ích cho người, thì anh em chúng tôi dầu lỗ công dầu lỗ tiền, cũng chẳng mỏi chí, nguyện làm sao cho đến thành sự cho người mới thôi. Thương ôi! Chẳng những là ít người muốn xem mà thôi, mà lại trong số ba trăm hai mươi lăm người mua, thì có hai trăm lẻ đã trả tiền. Xin coi như vậy thì hẹp cho chúng tôi lắm.
Nay chúng tôi xin đăng trọn những chư vị chưa trả vô nhựt trình này, đặng nhắc cho nhớ rõ, ráng gởi bạc đến cho bổn quán, đặng mà xài kẻo lỗ nhiều lắm. Xin chớ phiền sao mà hỏi tiền, vì thiếu và lỗ nên phải hỏi. »
(Số 41, ngày 05/06/1902).

Báo ra tám trang, song vào những lúc đỉnh điểm, ban biên tập phải giành tới hai trang để đăng danh sách những độc giả còn nợ tiền. Ngoài một số mục quảng cáo, tờ báo còn đăng hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi. Còn phần giá lúa gạo hay thông tin kinh tế không phong phú như tờ Gia-định báo.

Một số ý kiến đánh giá « Thương cổ luận » là một mục quan trọng của tờ báo. Xuất hiện ngay trên trang nhất từ số đầu tiên, « tác giả Lương Khắc Ninh thẳng thắn tuyên chiến với tư tưởng tứ dân “sĩ, nông, công, thương” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bằng lời khẳng định: « Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường ». Đồng thời, những bài viết nhằm mục đích hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi học đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Vì lẽ đó, đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ». Tới năm 1906, « Thương cổ luận » chính thức giã từ Nông-cổ mín-đàm, sau hơn 100 số.

Phổ biến chữ quốc ngữ bằng… “truyện Tầu”

Ngoài ý nghĩa là tờ báo kinh tế đầu tiên tại Việt Nam, Nông-cổ mín-đàm còn là một ấn bản giúp người đọc giải khuây lúc rảnh rỗi. Thực vậy, hơn một nửa số trang báo giành đăng các truyện dịch của Trung Quốc hay truyện ngắn của Anh, Pháp. Trước đó khi thể loại truyện này được đăng thường xuyên trên Nông-cổ mín-đàm, Huỳnh Tịnh Của đã dịch một số tác phẩm Trung Quốc như Cao Sĩ truyện, Trang Tử, Chiến quốc sách, Liêu Trai chí dị. Tuy nhiên, bản dịch hoàn chỉnh một bộ “truyện Tầu” sang tiếng Việt phải kể tới Tam Quốc chí tục dịch, được đăng ngay từ số đầu tiên, sau đó là các tác phẩm nổi tiếng khác như Liêu Trai chí dị, Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án

Là một trong những ấn phẩm hiếm hoi trong giai đoạn này, Nông-cổ mín-đàm trở thành nơi thử nghiệm của một đội ngũ dịch “truyện Tầu”, vừa tinh thông Hán học và biết chữ quốc ngữ như, Nguyễn Chánh Sắc, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Đinh Văn Đẩu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú…

Nhờ giữ các chức vụ chủ bút hay phụ bút cho tờ báo, họ khởi xướng phong trào dịch tiểu thuyết thần kỳ, anh hùng nghĩa hiệp của Trung Quốc trong những năm 1905-1910. Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắc, Trần Phong Sắc đã được báo Phụ nữ tân văn đánh giá là « những tay dịch thuật trứ danh của Nam Kỳ », riêng « Trần Phong Sắc là nhà dịch thuật trứ danh nhứt », với 29 bộ truyện Tàu được dịch sang tiếng Việt.

Ngoài mục truyện dịch, Nông-cổ mín-đàm còn có mục « Thi phổ » để đăng các sáng tác thi ca mới của độc giả hay văn học dân gian sưu tầm… Tờ báo cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại.

Dù ra sau các tờ Thông loại khóa trình, Phan Yên báo, Nhựt-báo Nam-kỳ, nhưng Nông-cổ mín-đàm hội tụ đầy đủ yếu tố của một tờ báo và tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài. Cách trình bày của tờ báo rất đơn giản, do hạn chế của kỹ thuật in ấn thời kỳ này. Ngoài tên báo trên trang nhất được in to và trình bày một cách cầu kỳ hơn, các bài viết bên trong được chia thành hai cột, không hình minh họa. Ngoài ra, các mục cách nhau bằng một dòng kẻ và tên tiêu đề được in to đậm hơn.

Cách hành văn của tờ báo dài và lủng củng, thể hiện rõ đặc điểm của tiếng Việt thời kỳ này. Chính vì vậy, các tác phẩm dịch thuật được đăng trên báo đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện văn phong chữ quốc ngữ, cùng với việc bổ sung từ vựng chuyên môn và du nhập vốn từ mới. Cuối cùng, không chỉ phổ biến tư tưởng Đông phương, Nông-cổ mín-đàm còn phổ biến cả học thuật phương Tây, theo con đường mà Trương Vĩnh Kỹ đã làm từ trước.

Theo nhận xét của một nhà nghiên cứu, « Nông-cổ mín-đàm ra đời trong thời buổi sơ khai của nền báo chí nước ta, lúc chữ quốc ngữ cũng còn ít người biết đọc. Cho nên, mặc dù nó đã đình bản chưa đầy một thế kỷ, mà có ít người biết đến tờ báo này ». Ngoài ra, cũng cần đề cập tới vấn đề nộp lưu chiểu. Do chính quyền thuộc địa còn phải đối mặt với những biến động chính trị-xã hội trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX nên không chú ý đến công việc lưu trữ. Cuối cùng, vì đây là tờ báo tư nhân nên chỉ được lưu giữ tại các gia đình và các cá nhân, do vậy không tránh khỏi bị tản mát và thất lạc.