Minh Anh RFI
Phụ nữ chiếm đến gần 50% dân số thế giới, nhưng chỉ nắm giữ chừng 1% sự giàu có của cả hành tinh, theo như một nghiên cứu về mối quan hệ của phụ nữ với tiền bạc do tổ chức European Women Professional Network thực hiện. Nghiên cứu còn cho thấy không có sự bình đẳng về mức lương giữa nam và nữ ở bất cứ nơi đâu.
Câu hỏi đặt ra vì sao có sự cách biệt giữa những gì phái nữ tạo ra và những gì họ thu được? Mối quan hệ của phụ nữ với đồng tiền là gì ? Phải chăng có sự khác biệt trong mối quan hệ với đồng tiền theo giới tính nam và nữ ? Phải chăng mối quan hệ với đồng tiền đó khả nghi ở mọi nơi, mọi giai cấp xã hội? Phụ nữ sẽ làm gì với đồng tiền họ kiếm được? Lúc nào thì họ kiếm được tiền? Và liệu vấn đề khả nghi phụ nữ – đồng tiền đặc biệt chỉ có riêng ở nữ giới ?
Nói về mối quan hệ của phụ nữ với đồng tiền đại khái có những luồng ý kiến như sau. Phái nữ thì nghĩ rằng, đồng tiền mà họ có được trước hết là dùng để nuôi sống cả gia đình, sau đó là tham gia các hoạt động từ thiện. Trong khi đó, đàn ông dùng tiền để mua nhà, sắm xe, lấp đầy tài khoản ngân hàng. Nói tóm lại đàn ông chủ yếu thích phô trương, làm mọi cách để tô bóng sĩ diện cá nhân.
Phụ nữ ít đòi hỏi sự giàu có, họ cũng muốn làm giàu nhưng cũng không bắt buộc phải hy sinh tất cả để có được điều như nam giới nghĩ. Phụ nữ quan niệm rằng đồng tiền không làm nên hạnh phúc. Phái nam thì cho rằng phụ nữ hay chi tiêu phung phí. Giả như phần lớn của cải trên thế giới này mà rơi vào tay phụ nữ có lẽ sẽ là một thảm họa.
Đương nhiên là cũng có vài trường hợp cá biệt có một số phụ nữ biết tiết kiệm, nếu không phần đông phụ nữ là rất hám tiền. 99% của cải trên thế giới là do đàn ông tạo ra, nhưng phụ nữ là người tiêu thụ hết. Phụ nữ chỉ biết có tiêu tiền, trong khi cánh mày râu chỉ là người giữ tiền “ảo” . Làm thế nào các bà các cô có thể giữ được tiền trong khi vẫn thích đặt mua các loại tạp chí chuyên giới thiệu mua sắm? Chính phụ nữ mới là chìa khóa tay hòm, nắm giữ đến 99% của cải thế giới.
Tại các nước chậm phát triển, nhất là tại Châu Phi, trên bình diện tài chính phụ nữ luôn bị xếp hàng thứ yếu. Theo truyền thống, khi chia tài sản kế thừa, con trai bao giờ cũng được nhiều hơn con gái. Đồng ruộng, đất đai … những gì có thể tạo ra của cải đều được để lại cho con trai. Vị trí của nữ giới là ở nhà, làm việc nội trợ. Tuy rằng đã có nhiều tiến bộ, nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn nhất là ở những vùng nông thôn, các em gái phải bỏ học sớm để lập gia đình. Vì không có bằng cấp, phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ hay buôn bán nhỏ với nguồn thu chẳng đáng là bao.
Quyền lực nảy sinh bất bình quyền
Rõ ràng các luồng ý kiến trên đã phác họa một chân dung khá tiêu cực về phụ nữ trong mối quan hệ với đồng tiền. Làm thế nào giải thích được vai trò thứ yếu của nữ giới trong mối quan hệ đó, trong khi hiện nay phần đông trong số họ cũng phải lao thân vào cuộc mưu sinh góp phần thúc đẩy sự thăng tiến của xã hội. Hơn nữa đứng về mặt trí tuệ, phụ nữ cũng không thua kém gì nam giới. Trên thế giới ngày càng có nhiều gương mặt nữ tiêu biểu trong lãnh vực kinh tế – tài chính.
Về điểm này, nhà phân tâm học Patrick Avrane cho rằng nữ giới bị đẩy xuống hàng thứ yếu là một hiện tượng xã hội chỉ có từ gần chục thế kỷ nay. Đó là một mối liên hệ phức tạp, không chỉ liên quan đến bản thân người phụ nữ mà còn là cả một vấn đề xã hội, đến vị trí của nữ giới trong xã hội đó. Patrick Avrane :
” Tôi nghĩ là phải phân biệt rõ hai việc. Đồng tiền không có giới tính. Do đó mối quan hệ của mỗi bên với đồng tiền không liên quan gì đến giới tính. Nghĩa là quan hệ của phụ nữ với đồng tiền cũng như của nam giới với đồng tiền nó là mối liên hệ của từng cá nhân. Vì vậy cần phải phân biệt rõ giữa sự ‘vung tay’ và ‘keo kiệt’ trong mối quan hệ với đồng tiền của mỗi bên. Bên cạnh đó, còn phải tính đến yếu tố xã hội. Lịch sử cho thấy trước thời Trung Cổ, từ cuối thời kỳ đế chế La Mã cho đến khoảng thế kỷ X-XI, phụ nữ cũng kiếm được tiền như cánh mày râu. Chỉ cho đến lúc vương quốc Pháp được hình thành, cũng là vào thời điểm quyền lực rơi vào tay phái nam. Rõ ràng hiện tượng này không có từ xa xưa. Có lẽ bây giờ là lúc phái nữ phải chinh phục lại điều đó. (…) Trên phương diện phân tâm học, mối quan hệ của phụ nữ với đồng tiền, không giống như là mối quan hệ mẫu-tử. Trong quan hệ mẫu-tử, phụ-tử có một vị trí khác biệt. Đối với đồng tiền, mối quan hệ đó còn phụ thuộc vào bối cảnh xã hội – văn hóa. “
Phụ nữ là con kiến hay con ve ?
Quyền lực của nam giới càng lớn, vai trò của nữ giới trong xã hội càng yếu dần theo thời gian. Hệ quả ngày càng xuất hiện nhiều định kiến về vai trò của nữ trong mối liên hệ với đồng tiền và nhất là trong giáo dục con cái. Gia đình có xu hướng thúc đẩy con trai theo hướng các lãnh vực kinh tế – tài chính hơn là con gái. Tiến sĩ Kinh tế Marianne Rubinstein, trường Đại học Paris 7 nhận định :
« Chúng ta vẫn còn những định kiến trong cách nhìn về phụ nữ trong mối quan hệ với tiền bạc. Theo đó, phụ nữ bị chia ra làm hai loại hình mẫu mà ngày nay không còn giá trị theo như hình ảnh con kiến (đại diện cho sự chăm chỉ) và con ve (hưởng thụ, ham chơi) trong ngụ ngôn La Fontaine. Và phụ nữ là những người chỉ biết tiêu tiền. (…) Rõ ràng là phụ nữ không thể có một mối quan hệ yên tĩnh với đồng tiền. Câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine đưa ra một dấu hiệu khá rõ về khó khăn về mặt xã hội trong mối quan hệ với đồng tiền khi ta là phụ nữ ». Ở đây, ông Patrick Avrane có một giải thích khác khá thú vị trên phương diện phân tâm học cho rằng đồng tiền còn là hiện thân của sức mạnh và quyền lực. Hiểu rõ được điều đó nên giới nam đã tìm cách tước đi quyền sử dụng và quản lý đồng tiền của phụ nữ trong suốt một thời gian dài, buộc họ phải hoàn thiện hơn nữa tài « đổi chác ».
Patrick Avrane : « Trong một khoảng thời gian dài, phái nam đã đẩy phụ nữ xuống hàng thứ yếu bằng cách không đưa cho họ tiền và có xu hướng đẩy phụ nữ sử dụng đến việc tiến hành các “cuộc đổi chác”. Tôi nghĩ rằng phụ nữ buộc phải chuyển hướng sang việc sử dụng tài đổi chác như nhờ vả, hay trao đổi của cải, trong khi đó cánh mày râu khư khư ôm chặt lấy những quyền lợi trong việc sử dụng đồng tiền, vốn dĩ chứa đựng điều gì đó rất là khác thường, tức là đồng tiền cũng là sức mạnh. Đồng tiền mạnh là do đó là tài sản lưu động. Chỉ nhìn về mặt đạo đức và tính hợp pháp không thôi, với đồng tiền, ta có thể mua bất cứ thứ gì trong giới hạn cho phép. Do đó, việc có tiền trong tay thật sự đã tạo ra một sức mạnh, một sức mạnh mà phần nào đó phụ nữ đã bị tước đi trong quá khứ trong một chừng mực nếu như ta không cho họ (phái nữ) tiền và họ phải làm các cuộc trao đổi, do đó họ buộc phải dựa vào tài quyến rũ để tiến hành ‘đổi chác’ ».
Về điểm này, tiến sĩ Kinh tế Marianne Rubinstein cũng đồng quan điểm với nhà phân tâm học. Kinh nghiệm trong nghiên cứu kinh tế vi mô đã chứng minh rằng phụ nữ đôi khi còn quản lý tiền tốt hơn nam giới.
« Phái nam không đưa tiền cho phụ nữ khi viện cớ rằng phụ nữ không biết quản lý tiền. Điều đó là không đúng, rõ ràng trong xã hội phương Tây có nhiều vị trí quan trọng do phụ nữ điều hành hơn là trong truyền thống. Các nghiên cứu trong kinh tế vi mô cho thấy các tổ chức hỗ trợ vẫn thích cấp vốn tín dụng cho nữ giới hơn vì họ quản lý và sử dụng nguồn vốn hợp lý hơn là nam giới ».
Phương pháp giáo dục lỗi thời
Sự tiến bộ xã hội dẫn đến những thay đổi triệt để về vai trò phụ nữ trong đời sống thường nhật. Phái nữ dần dần thoát khỏi sự bảo trợ của nam giới về mặt tài chính và giờ đây có vai trò gần như ngang hàng với cánh mày râu. Chẳng hạn như tại Pháp hiện nay, gần như 80% phụ nữ trong độ tuổi từ 25-49 tuổi đều đi làm. 45% số ngành nghề là do nữ đảm đương là chính. Nói tóm lại giờ phụ nữ cũng kiếm ra tiền như nam giới. Nhưng mối quan hệ phụ nữ – đồng tiền chưa có những thay đổi triệt để.
Tiến sĩ Marianne Rubinstein nghĩ rằng đó là do phụ nữ ngày nay vẫn còn thiếu trầm trọng kiến thức căn bản về kinh tế – tài chính. Vấn đề là phụ nữ thiếu các kiến thức kinh tế và tài chính cơ bản để quản lý tiền. Không phải là vì họ kém cỏi hơn nam, mà là do những thành kiến, do bởi họ (phụ nữ) vẫn chưa nắm rõ được các chuyên ngành về kinh tế – tài chính. Họ tuyệt đối phải hiểu được điều đó, trên thế giới vẫn có nhiều kinh tế gia nữ nổi danh, rất nhiều phụ nữ rất am tường các kiến thức về lãnh vực này.
Nhưng nghịch lý là các điều tra trên toàn thế giới cho thấy họ vẫn cảm thấy kém hơn phái nam. Họ có xu hướng thường hay trả lời “tôi không biết, tôi không biết câu trả lời”. Đây quả là một chi tiết thật khó hiểu. Do đó đây cũng là một trong những yếu tố của vấn đề. Bên cạnh đó, theo cô, cách giảng dạy về kinh tế – tài chính vẫn chưa theo kịp với tiến bộ thời đại, cứ như là đang ở thời kỳ phụ nữ chưa có một vai trò nào trong xã hội.
” Đương nhiên phải nói đến các vấn đề kinh tế một cách toàn diện. Nhưng ý tưởng của chúng tôi là muốn thay đổi hình thức đề cập. Mình nên nói về kinh tế giống như là đang nói với một người bạn thân nghĩa là một cách thân mật hơn. Không nên để cho phái nữ cảm thấy không muốn quan tâm đến chủ đề này. Do đó, chúng ta thử nói với họ bằng một cách khác. Phụ nữ tuyệt đối phải được trang bị các kiến thức về kinh tế”.
Trên đây là những nhận định, phân tích đánh giá của các chuyên gia phương Tây về mối quan hệ của phụ nữ với đồng tiền. Trong văn hóa Việt Nam, người phụ nữ là một “nội tướng”, là “tay hòm chìa khóa”. Dù có hay không tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội, phụ nữ cũng là người điều tiết chính các khoản chi tiêu đầu tư của gia đình.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lê Thị Yên Di, giảng dạy tại khoa Giáo dục học Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tại Sài Gòn có lẽ vẫn còn tồn tại một sự bất công vô hình bên ngoài xã hội. Đông đảo phụ nữ Việt Nam tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội, nhưng mức lương giữa nam và nữ, trong cùng một vị trí có lẽ vẫn còn một sự cách biệt nào đó nhất là trong khu vực tư nhân.