Chuyện xảy ra hôm thứ Tư hai 20-11-2013 tại Tòa Bạch Ốc.
Hai ông tay bắt mặt mừng, cười thật tươi trước ống kính truyền hình, nói chuyện rôm rả. Hôm đó, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama trao “Medal of Honor”, chiếc huy chương cao quý nhất của quốc gia cho vị tiền nhiệm là Cựu Tổng Thống Bill Clinton vì thành quả trong 8 năm giữ vai trò người lãnh đạo quốc gia và những công trình tầm vóc quốc tế đã thể hiện qua tổ chức NGO mang tên “The Clinton Global Initiative” do ông sáng lập sau ngày rời Tòa Bạch Ốc. Phải nói rõ hơn: năm nay có cả thảy 15 người được trao huy chương nhưng mọi chú ý đều dồn vào 2 ông vì những đồn đãi cho thấy mối quan hệ giữa ông 44 và ông 42 không thật sự nồng ấm như nhiều người tưởng.
Buổi lễ đánh dấu lần đầu tiên 2 ông gặp lại nhau, kể từ khi ông 42 lên tiếng chỉ trích những sai lầm của việc thi hành Obamacare, đòi hỏi ông 44 “trong cương vị Tổng Thống đã nói thì phải giữ lời, không thể hứa hẹn cho người dân được quyền giữ bảo hiểm y tế họ đang có để rồi sau đó bảo hiểm của họ bị cắt”. Đồn đãi chính trị ở thủ đô còn nói “gia đình Clinton đang tìm cách xa lánh ông Obama”, không muốn vị tổng thống đương nhiệm “đang bị điểm xấu” ảnh hưởng tới kế hoạch ngấm ngầm được thực hiện để đưa bà Hillary Clinton ra tranh cử 2016.
Mặc dù rời Tòa Bạch Ốc từ năm 2001, nhưng uy thế chính trị và cảm tình dân chúng dành cho Cựu Tổng Thống Clinton vượt trội vị tổng thống đương nhiệm. Giữa tháng này thăm dò của Gallup cho thấy 55% người dân Mỹ ngợi khen ông Clinton “làm việc xuất sắc” hoặc “trên trung bình” -chỉ đứng sau hai Cố Tổng Thống John F. Kennedy và Ronald Reagan- trong khi tỷ lệ dành cho Tổng Thống Obama có 28%; một số cuộc thăm dò khác cho biết chỉ có 15% cử tri không hài lòng với ông Clinton nhưng số người không bằng lòng với ông Obama đã lên tới hơn 40%. Ai cũng hiểu thông thường cảm tình người dân dành cho các ông “cựu” bao giờ cũng cao, nhưng chuyện uy thế của ông đương nhiệm Obama đang giảm lại tạo cơ hội cho thanh thế chính trị của ông Cựu Clinton trở thành nổi bật hơn, đi kèm với những lời ngợi khen từ phía dân chúng cho rằng trong lịch sử Hoa Kỳ “chưa từng có vị ngoại trưởng nào đi nhiều hơn bà Clinton và làm việc có hiệu quả như bà Clinton”.
Quan hệ giữa ông Obama và gia đình Clinton gặp khó khăn từ năm 2007 khi ông và bà Clinton cùng dự vòng đua sơ bộ của đảng Dân Chủ. Thoạt đầu mọi người đều nghĩ nước Mỹ sẽ có bà tổng thống đầu tiên, nhưng sự xuất hiện của ông Obama khiến mọi người phải cân nhắc trước khi đi đến quyết định bỏ phiếu chọn vị tổng thống da đen đầu tiên cho quốc gia. Trong khoảng thời gian đó, ông Obama từng cho mọi người biết dù làm việc chung với nhau ở Thượng Viện nhưng mối thân tình giữa ông và bà Clinton cũng chỉ ở mức “tàm tạm” (likeable) trong khi ông Clinton tìm đủ mọi cách để triệt hạ đối thủ của bà vợ, điển hình là ông từng xem chuyện ông Obama thêm mắm thêm muối chuyện bỏ phiếu chống cuộc chiến Iraq, chẳng ngần ngại mỉa mai gọi đó là “chuyện hoang đường lớn nhất mà tôi nhìn thấy”. Khi ông Obama thắng ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney để tiếp tục lãnh đạo quốc gia, có người kể lại rằng ông Clinton vừa nhún vai vừa nói với những người thân “thằng cha này may mắn hơn cả con chó có 2 con c…” (nguyên văn “He’s luckier than a dog with two d—-“).
Sau ngày đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama chọn bà Clinton giúp điều khiển ngành ngoại giao, nhưng tin tức phát xuất từ những người thân cận nhất với ông cho biết bà Clinton làm ngoại trưởng “chỉ vì ông Joseph Biden muốn làm phó tổng thống”. Chuyện như thế này: ông Obama mời ông Biden tham gia cuộc vận động tranh cử, đặt câu hỏi “ông muốn nắm chức vụ nào, đứng phó cho liên danh hay làm ngoại trưởng sau ngày tôi đắc cử”. Ông Biden quyết định đứng phó, “vì thế chức ngoại trưởng mới lọt vào tay bà Clinton”. Cũng theo những nhân vật thân cận với ông Obama, từng có lúc ông nêu ý kiến “nhờ anh em nghĩ xem tôi có nên mời bà Clinton đứng phó hay không?”. Người đầu tiên trả lời câu hỏi này là ông trưởng ban vận động David Axelrod, bảo “Barack, bộ anh điên hay sao mà nghĩ đến chuyện mời bà ta? Anh có muốn làm việc với một người đứng phó (mà người đó) lúc nào cũng nghĩ không có bà ta thì anh không thắng cử hay không?”. Cũng đừng quên trong những ngày đầu khi bà Clinton mới tham gia chính phủ, tờ POLITICO chuyên loan tải tin chính trị cho hay các viên chức Tòa Bạch Ốc không ai muốn đánh bóng bà ngoại trưởng vì e ngại “tên tuổi của bà lẫy lừng hơn tên tuổi của Tổng Thống”. Chuyện đó không biết đúng sai như thế nào, nhưng có lần ông Cố Vấn David Plouffe kể cho mọi người nghe “trong chính phủ, thân nhau nhất là ông Phó Joseph Biden và bà Ngoại Trưởng Clinton”, nhìn nhận “họ thân với nhau hơn thân với Tổng Thống hay với anh em tụi tôi”.
Bà Clinton nhận lời mời tham gia nội các, nhưng điều đó chưa đủ để giúp quan hệ giữa sếp Obama với chồng bà trở nên tốt đẹp hơn. Trong quyển sách mới phát hành đẩu mùa thu năm nay mang nhan đề “Double Down: Game Change 2012,”, hai nhà báo Mark Halperin và John Heilemann ghi lại một số chuyện thuộc loại thâm cung bí sử về liên hệ giữa ông 42 và ông 44, từ chuyện ông Obama bực bội khi đánh golf với ông Clinton, than với dàn phụ tá rằng ông Clinton “chơi không đẹp, đánh ăn gian”, cho đến chuyện ông Clinton để cho ông Obama đợi cả giờ đồng hồ khi hẹn gặp nhau ở New York, bực tới mức “thay vì 2 ông ngồi ăn riêng với nhau, ông Obama tự ý quyết định mời cả dàn phụ tá hai bên cùng ăn chung”. Cánh nhà báo săn tin ở Tòa Bạch Ốc còn nghe được chuyện ông Obama dặn dò nhân viên “ngoại trừ những trường hợp rất đặc biệt, khi nào mời ông Clinton vào Tòa Bạch Ốc thì phải nhớ mời thêm những người khác nữa”. Lý do: “thẳng chả (Clinton) ưa làm thày đời, thích lên tiếng dạy dỗ người khác lắm”.
Mặc dù tỏ rõ cho mọi người thấy không ưa ông Clinton, nhưng ông 44 biết vẫn cần đến sự giúp đỡ của ông 42 khi tái tranh cử cũng như khi cần người có khả năng thuyết phục dân chúng. Ông Clinton vui với trách nhiệm được trao phó và hoàn thành trách nhiệm này thật mỹ mãn, điểm son vẫn là bài diễn văn ông đọc trước Đại Hội Đảng ở Charlotte, North Carolina nói về những khó khăn Tổng Thống Obama phải đối phó, nhất là về kinh tế. Trong bài diễn văn được nhiều người xem là hay hơn cả bài diễn văn nhận lời đề cử ông Obama đọc tối hôm sau, vị Cựu Tổng Thống được đa số người dân quý mến nói rõ “không nên thay đổi người lãnh đạo trong lúc này”, giải thích “kinh tế vẫn còn khó khăn, ngay cả tôi cũng không thể đảo ngược được tình huống, ngay cả tôi cũng không thể làm được những gì Tổng Thống Obama đã làm, đang làm”. Những lời nói mang tính khẳng định đó đã góp phần không nhỏ để ông Obama thắng cử nhiệm kỳ 2, bằng chứng là ngay tối bầu cử sau khi biết tin chiến thắng, người đầu tiên ông Obama gọi điện thoại cám ơn “chính là cú gọi cho ông Clinton”.
Cám ơn là một chuyện, bực mình lại là một chuyện khác.
Tháng Sáu 2011 giữa lúc các ứng viên Cộng Hòa cùng nhau chỉa mũi dùi đánh chính sách kinh tế của ông Obama, ông Clinton viết bài đăng trên tạp chí Newsweek để đưa ra “thang thuốc chữa kinh tế”, trong đó khéo léo nhắc lại những gì ông từng làm để vực nền kinh tế quốc gia và những gì ông Obama không làm khiến con số người thất nghiệp lên đến 14 triệu người. Đến đầu tháng Năm 2012 khi ông Romney đã có đủ phiếu để trờ thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng Hòa, phía ông Obama lập tức soạn kế hoạch đánh mạnh vào thành tích hoạt động của ông Romney, trong đó điểm đánh mạnh nhất là chuyện ông Romney là con người không nhân hậu, chỉ nghĩ đến lời lỗ, sẵn sàng sa thải nhân viên, không xứng đáng để cử tri ủng hộ. Kế hoạch này vừa tung ra thì bị chính ông Clinton cản đường bằng lời ca ngợi thành quả hoạt động thương mại của ông Romney, gọi đó là “điểm son”, là thành quả “đáng phục”. Mùa hè năm nay khi ông Obama còn đang cân nhắc xem có nên can dự vào cuộc nội chiến Syria hay không, ông Clinton lại chia sẻ cảm nghĩ với những người thân tín, cho rằng “làm tổng thống mà không dám quyết định thì rõ là quá tệ”. Cũng vẫn với giọng điệu mỉa mai, ông 42 chê ông 44 “đúng là kẻ rối trí”, không dám tự mình quyết định “chỉ vì sợ dân chúng phản đối”. Chừng 2 tiếng đồng hồ sau đó tin này đến tai ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Denis McDonough, và những nguồn tin đáng tin cậy đều nói “ông Denis mặt đỏ tía tai, chạy ngay vào Phòng Bầu Dục báo tin cho Tổng Thống Obama biết”.
“Bên Tòa Bạch Ốc cho tôi biết họ không thấy có gì trở ngại với Tổng Thống Clinton và những lời phát biểu ông ta đưa ra”, một viên chức cao cấp của Ủy Ban Điều Hành Trung Ương Đảng Dân Chủ nói với những nhà báo quen biết, “nhưng thật lòng, tôi không tin vào điều đó đâu”, bảo thêm “tôi nghe đồn đãi là những người thân cận với Tổng Thống Obama nghĩ rằng bên nhà Clinton thấy điều gì có lợi cho họ thì họ làm, bất kể điều đó có thể gây trở ngại cho vị tổng thống đương nhiệm”.
“Điều đó không đúng”, ông phụ tá đặc biệt Lanny Davis của Cựu Tổng Thống Clinton vội vã lên tiếng chống đỡ. “Phát biểu của Tổng Thống Clinton không gây trở ngại cho quan hệ giữa 2 ông, chẳng tạo căng thẳng trong chính trường mà còn được Tổng Thống Obama đón nhận”, bằng chứng là ngay sau khi nghe ông Clinton lên tiếng nói “làm Tổng Thống thì đã nói phải giữ lời”, ông Obama đồng ý cho những người đang tự mua bảo hiểm y tế giữ nguyên bảo hiểm của họ trong vòng 1 năm, “kể cả những loại bảo hiểm không hội đủ các tiêu chuẩn mà luật Obamacare đòi hỏi”.
Một số nhà quan sát nói rằng ông Lanny Davis đưa ra lời lẽ mang tính hòa giải “vì không muốn chuyện ông 42 và ông 44 trở thành đề tài có thể gây trở ngại cho con đường chính trị tương lai của bà Clinton”, trong khi sự thật không đúng như thế. Một cựu viên chức của chính phủ George W. Bush cho rằng trong số những cựu tổng thống Mỹ, “chẳng ai khôn ngoan, khéo léo cho bằng ông Clinton” do đó, “tôi tin ông 42 nói gì, làm gí cũng có hậu ý, kể cả chuyện ông phê bình hay giúp đỡ cho ông 44”.