post

Salvador Dali: Giác quan siêu thực bén nhạy

Tuấn Thảo RFI   
Triển lãm Dali tại Paris : Giác quan siêu thực bén nhạy

Tác phẩm William Tell do Dali vẽ vào năm 1930 (© Salvador Dali, Fundació Dali, ADAGP Paris 2012)

Kể từ ngày 21/11/2012 cho tới cuối tháng Ba 2013, viện bảo tàng nghệ thuật đương đại thuộc trung tâm văn hóa Beaubourg tổ chức một cuộc triển lãm đồ sộ về danh họa Salvador Dali. Lần trước, Paris trưng bày các tác phẩm của Dali là vào năm 1979. Lần này, Beaubourg hy vọng phá kỷ lục 800 000 khán giả, đặt chỉ tiêu thu hút hơn một triệu lượt người xem.

So với năm 1979, cuộc triển lãm Dali năm 2012 có tầm vóc lớn hơn, với hơn 200 tác phẩm đủ loại được trưng bày, trong đó có một số phim ảnh chưa từng được phổ biến. Được xem như là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX, Salvador Dali lúc sinh tiền còn nổi tiếng là một nhân vật quái dị, nhiều tài nhưng cũng lắm tật. Các quan điểm triệt để của ông về mặt nghệ thuật, các lời tuyên bố đầy tính khiêu khích của ông trên đài truyền hình, các sáng tác theo đơn đặt hàng cho ngành thời trang hay quảng cáo, đã biến Dali thành trọng tâm của các cuộc bút chiến trên văn đàn, các cuộc tranh cãi sôi nổi trong dư luận.

Trung tâm văn hóa Beaubourg (còn được gọi là Centre Pompidou) đã muốn cho thấy tất cả những khía cạnh của một nghệ sĩ tiên phong, dồi dào tính sáng tạo, tột cùng bí ẩn dù luôn xuất hiện dưới hào quang ánh sáng. Nhờ vào quan hệ hợp tác nhiều năm với các viện bảo tàng danh tiếng nhất trên thế giới, mà Beaubourg lần này đã tập hợp được một bộ sưu tập có giá trị, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển của trường phái siêu thực, tiêu biểu nhất là tấm tranh Persistance de la Mémoire, với hình tượng tiêu biểu của những chiếc đồng hồ rủ mềm, như thể kim loại bị nung chảy.

Bức tranh Persistance de la Mémoire do Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại MoMA của New York cho mượn, nhưng bên cạnh đó còn có sự đóng góp của các viện bảo tàng lớn khác như Viện bảo tàng quốc gia tại thủ đô Madrid (Museo Nacional Centro de Arte Reina Sofía), Fundació Dalí tại Figueres và Dalí Museum bang Florida, Hoa Kỳ. Ông Jean Hubert Martin, quản đốc viện bảo tàng thuộc trung tâm văn hóa Beaubourg cho biết một cách chi tiết hơn về giá trị của các tác phẩm được trưng bày :

Cuộc triển lãm lần này muốn cho thấy tính chất đa dạng phong phú trong các tác phẩm nghệ thuật của Salvador Dali. Trong số hơn 200 tác phẩm được trưng bày lần này, đa phần là những bức tranh vẽ qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng bên cạnh hội họa, còn có nghệ thuật thời trang quảng cáo, dàn dựng sân khấu, ảnh chụp và một số bộ phim mà Dali đã thực hiện lúc sinh tiền. Trong đó, có một bộ phim ngắn khoảng chừng 10 phút mang tựa đề Chaos et Création – Hỗn loạn và Sáng tạo – chưa bao giờ được phổ biến ở Pháp.

Cũng như nhiều bậc thiên tài, Dali không tự bó mình trong một loại hình nghệ thuật duy nhất, mà lại cọ xát với nhiều bộ môn khác nhau. Dali là gương mặt tiên phong trong nghệ thuật biểu diễn bao gồm cả performance và happening, tạo ra những sự kiện nghệ thuật vừa sinh động vừa nhất thời, mang tính đột phá sáng tạo, hàm chứa nhiều ý nghĩa khiêu khích.

Sinh thời, Dali tự định nghĩa ông là một art-teur, tức là ông vừa là một nghệ sĩ, vừa là một diễn viên chủ động, trực tiếp tham gia vào sự kiện mà ông dựng lên trước mắt công chúng và khán giả. Hội họa có thể được lưu trữ trong viện bảo tàng, còn các sự kiện happening do mang tính nhất thời, nếu không được lưu lại qua nhiếp ảnh chụp hay quay phim, thì hoàn toàn biến mất. Dựa vào các bức ảnh chụp và các thước phim về Dali, chúng tôi đã dựng lại một cuộn phim video để cho thấy tất cả các khía cạnh của nghệ thuật ‘‘trình diễn’’ của ông.

Nếu như giới phê bình công nhận giá trị các tác phẩm hội họa của Dali, thì ngược lại chưa chắc gì đa số người xem có thể hiểu nghệ thuật trình diễn của ông. Theo lời ông Jean Hubert Martin, quản đốc viện bảo tàng thuộc trung tâm văn hóa Beaubourg, sinh thời Salvador Dali bị nhiều người ghét bỏ do cái tính phô trương mà họ cho là quá trớn :

Vâng có một thời, tính phô trương của Dali không đem lại hiệu quả như mong muốn, nhiều người còn cho rằng điều đó làm giảm đi giá trị toàn bộ các tác phẩm của ông. Cũng cần biết rằng thời ông còn sống, Dali rất thích xuất hiện trên đài truyền hình, ông có thể biến một bài phỏng vấn nghiêm túc thành một sự kiện hóm hỉnh khôi hài, đôi khi dở khóc dở cười. Ông khiêu khích phá phách mà không hề sợ người khác chê bai là ông lố bịch.

Trong mắt của một số nhà phê bình, của những sử gia chuyên nghiên cứu về nghệ thuật thậm chí một số nghệ sĩ cùng thời, thì họ không ngần ngại chỉ trích Dali là một kẻ phá đám, chuyên pha trò hề nhưng đôi khi lại diễn dở. Theo họ, thì Dali sử dụng các phương tiện truyền thông để đánh bóng thương hiệu, để tạo ra một sự kiện mà mọi người có thể nhắc đến, tốt cũng có mà xấu cũng có.

Nhưng theo tôi, với khoảng cách thời gian, khi ta nhìn lại những gì Dali đã làm, dù có thích hay không, ta vẫn có thể nhìn thấy tính tiên phong của người nghệ sĩ này. Nghệ thuật happening của ông đã ảnh hưởng rất mạnh đến các nghệ sĩ đi sau, trong đó phải kể đến Andy Warhol và những người theo phong trào nghệ thuật phù du. Theo tôi thì tư duy của một người nghệ sĩ quan trọng ở chỗ đột phá, riêng biệt sáng tạo, chứ không phải là cần đến sự tán thưởng nhất trí của mọi người.

Khi nhắc tới nghệ thuật hội họa của Salvador Dali, người ta thường nghĩ đến ngay trường phái siêu thực cũng như cái phương pháp mang tên là paranoia critique do chính tác giả Dali chủ trương. Nhưng phương pháp paranoia critique là gì, ông Jean Hubert Martin giải thích :

Nghệ thuật của Dali trước hết dựa vào một sự hiểu biết sâu rộng về ngành phân tâm học của Freud. Lúc sinh tiền, Dali rất ngưỡng mộ Freud, nên đã đọc toàn bộ các tác phẩm của ông và hai người từng gặp nhau nhiều lần trong những năm 1930. Từ đó mà danh họa Dali đã sáng chế ra phương pháp paranoia critique, dựa trên khả năng của mỗi con người, có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh khác nhau nơi một cảnh tượng, hay trước thiên nhiên vạn vật.

Chẳng hạn như ta nhìn một ngọn cây vào mùa đông, đôi khi những nhánh cây khô không lá, lại giống như những ngón tay gầy guộc chĩa lên trời, có người thì những nhánh cây khô ấy khi chụm lại giống hệt như một khuôn mặt. Cùng một cảnh vật nhưng có người sẽ nhìn thấy cùng lúc nhiều hình tượng khác biệt, lồng ghép hay chồng chéo lên nhau. Về điểm này, Dali có một giác quan bén nhạy phi thường. Dali quan tâm đến ngành phân tâm học vì ông mắc chứng hoang tưởng, tâm trí thường bị ám ảnh dằn vặt.

Nhưng trái với người khác, ông không thụ động mà trở thành một nghệ sĩ chủ động, biến những nỗi dằn vặt ấy thành động lực sáng tạo, dùng trạng thái ám ảnh để không ngừng chất vấn thực tế. Ông đưa tất cả những yếu tố quái dị, trạng thái siêu thực ấy vào tranh vẽ, đến khi ta xem tranh, thì ta sẽ không khỏi ngạc nhiên hiếu kỳ, nửa tin nửa ngờ, đâu là mộng tưởng đâu là hiện thực. Như vậy, đến phiên người xem sẽ phải đối chiếu so sánh, khảo sát cái thực tế đầy logic thường ngày của họ với đề tài của bức tranh, có tác dụng mở mắt người xem.

Cũng theo lời ông Jean Hubert Martin, do sự đa dạng trong sáng tác, cũng như việc danh họa Tây Ban Nha đã thử nghiệm cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, cho nên cuộc triển lãm lần này, tuy dành một không gian lớn cho các bức tranh siêu thực, nhưng bên cạnh đó cũng đặc biệt đề cao nghệ thụât trình diễn (performance) của Dal.

Rất khó thể nào định nghĩa Dali mà không tránh khỏi một cách nhìn hạn hẹp. Trong những năm đầu đời, Dali đã vẽ theo phong cách tân ấn tượng, rồi lập thể. Vào những năm 1920, ông định hình được cái bút pháp độc đáo của riêng mình với hội họa siêu thực. Nhưng hội họa của Dali không dừng lại ở đó vì có những giai đoạn, nhất là trong thời kỳ của phong trào pop art, Dali đã thử nghiệm với nhiều cách vẽ khác nhau, ông vẽ tranh trừu tượng, hoặc vẽ theo động tác cử chỉ.

Đến những năm 1960, 1970 ông cũng có vẽ theo phong cách biểu hiện. Nhưng có một yếu tố tiêu biểu cho Dali là ông chuộng cách vẽ chi tiết nếu không nói là ti mỉ. Điều này phần lớn là do ảnh hưởng của các bậc thầy, vì Dali rất ngưỡng mộ các bậc tiền bối như danh họa Velasquez hay Vermeer. Nơi một họa sĩ, ông coi trọng cả hai vế : kỹ thuật hội họa và tư tưởng sáng tạo.

Đối với đại đa số, Dali trước hết là một danh họa siêu thực, bởi vì các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông thuộc vào thời kỳ này, nhưng khi nhìn lại thì ta sẽ thấy rằng, ông không ngừng tìm tòi thử nghiệm một cách vẽ khác, vì ông không muốn lặp đi lặp lại những gì đã làm rồi. Việc thử nghiệm các bộ môn nghệ thuật khác cũng nằm trong chiều hướng đó : Dali không đơn thuần là một họa sĩ siêu thực mà là một nghệ sĩ đa tài, đa diện.