Tuấn Thảo RFI
Lúc sinh tiền, nam tài tử Steve McQueen yêu đàn bà, thuốc lá và tốc độ …. Đó là tuyên bố của Chad McQueen khi anh đến Liên hoan Cannes trong tuần qua, để giới thiệu một bộ phim tài liệu mới về thân phụ của anh. Mang tựa đề “The Man & Le Mans”, bộ phim của hai đạo diễn John McKenna và Gabriel Clarke, kể lại thời kỳ huy hoàng lẫn đen tối nhất của ngôi sao màn bạc Steve McQueen. Theo dự kiến phim sẽ được công chiếu vào đầu tháng 11/2015 nhân 35 năm ngày giỗ của nam diễn viên người Mỹ.
Để tưởng niệm thân phụ, Chad McQueen đã tham gia vào dự án làm phim bằng cách cung cấp các thước phim nhựa cá nhân, các tư liệu của gia đình. Bộ phim tài liệu xoáy vào giai đoạn Steve McQueen có mặt tại Pháp vào năm 1971 để quay bộ phim nói về vòng đua tốc độ 24 tiếng đồng hồ thành phố Le Mans. Điều mà ít ai được biết là vào thời bấy giờ, Steve McQueen dù đang rất thành công trong sự nghiệp, đang trải qua một những giây phút khó khăn nhất trong cuộc sống riêng tư.
Nổi tiếng là một tay đua yêu chuộng tốc độ, Steve McQueen đã chọn dự án Le Mans vì bản thân ông muốn trực tiếp lái xe tham gia vòng đua, cho nên nam diễn viên đã đặt nhiều kỳ vọng vào bộ phim này. Thế nhưng, nhiều tai nạn cứ liên tục xảy ra trên phim trường, Steve lại vừa chia tay với vợ, cho nên ngôi sao màn bạc bị xuống tinh thần, chứng trầm cảm làm cho anh lún sâu vào chứng nghiện rượu.
Từ một dự án đầy tham vọng bộ phim Le Mans lại trở thành một ‘’tai nạn nghề nghiệp‘’, hoàn toàn gặp thất bại khi ra mắt công chúng Mỹ. Đạo diễn François Truffaut cho rằng ngành làm phim có nhiều dự án bị ‘’nguyền rủa’’, kịch bản đọc trên giấy thì rất tốt, nhưng tới khi bắt tay thực hiện thì lại gặp toàn là những điều bất trắc rủi ro. Tựa như một người lâm bệnh nặng, một khi đã phát bệnh, thì bệnh tình càng lúc càng trầm trọng thêm.
Thất bại nặng nề của bộ phim Le Mans (do đạo diễn Lee H.Katzin thục hiện) khiến cho sự nghiệp của Steve McQueen bị khựng lại một thời gian. Trong suốt những năm 1970, ông là ngôi sao sáng giá với mức thù lao cao nhất Hollywood, hơn cả các diễn viên cùng thời như Clint Eastwood (cùng tuổi với nhau), Paul Newman và Robert Redfort ….
Sự nghiệp Steve McQueen có nhiều bộ phim thuộc vào hàng kinh điển như The Great Escape (Tẩu thoát ngoan mục), Vụ án Thomas Crown, Papillon (Tù khổ sai), Magnificient Seven (7 tay súng oai hùng, phóng tác từ bộ phim cổ trang 7 hiệp sĩ samurai của đạo diễn Nhật Bản Kurosawa) …. trước khi ông đột ngột qua đời do chứng bệnh ung thư phổi vào cuối năm 1980.
Từ một câu chuyện riêng lẻ, bộ phim tài liệu mới của hai đạo diễn John McKenna và Gabriel Clarke lại phần nào vén màn bí mật về phong cách của Steve McQueen, một con người luôn bị dằn vặt ám ảnh, nội tâm bất an nên khó thể nào mà tận hưởng trọn vẹn những thời khắc hạnh phúc, dù đó là những giây phút mong manh ngắn ngủi.
Theo lời kể của tác giả Michael Munn, người viết các quyển tiểu sử của các ngôi sao màn bạc Ava Gardner và Richard Burton, thì khi gặp Steve McQueen trong đời tư, người ta khó thể nào mà hình dung được ông là một trong những ngôi sao sáng chói nhất Hollywood. Ăn mặc luộm thuộm, đầu tóc rối xù, râu để dài không cạo, hình ảnh của Steve McQueen trong đời sống thật rất khác với cái tướng mạo trau chuốt, nhàn nhã mà bảnh bao trước ống kính hay trên mặt báo. Nhưng Steve McQueen vẫn trở thành một ‘’sát thủ máu lạnh’’ khi phải bàn tới chuyện giao kèo, hợp đồng hay thù lao ….
Bộ phim tài liệu cũng nhắc lại thời thơ ấu không mấy hạnh phúc của Steve McQueen. Ông lớn lên trong một gia đình đầy bạo lực, mẹ là một cô gái điếm còn bố là một người đàn ông vũ phu, luôn đánh đập vợ con. Theo lời kể của con ông là Chad McQueen, dường như vết thương tuổi thơ ấy lại trở thành động lực ban đầu thúc đẩy của Steve McQueen tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó của gia đình, nhưng rồi sau đó nó lại trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi, luồn dày vò tâm trí của ông. Đằng sau cái hình ảnh rất là cool lại thấp thoáng tiếng gầm của một con thú dữ đầy nanh vuốt mà Steve McQueen suốt đời phải tìm cách kiểm soát, chế ngự ….
Trong làng phim có rất nhiều thần tượng điện ảnh mơ làm tay đua. Trường hợp của James Dean, còn được mệnh danh là ‘’thiên thần nổi loạn’’, chuyên sưu tầm các kiểu xe đua nổi tiếng, để rồi chết vì tai nạn giao thông (trong chiếc xe Porsche 550 Spyder). Các diễn viên James Garner hay Paul Newman ngoài sự nghiệp đóng phim còn từng tham gia vào các vòng đua chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp.
James Garner sau khi quay phim đua xe (Grand Prix : Challenge of the Champions) sẽ tham gia vào bộ phim tài liệu The Racing Scenes vào năm 1969. Còn Paul Newman sau khi đóng phim Winning nói về vòng đua Indianapolis, sẽ trực tiếp tham gia để rồi về hạng nhì vòng đua 24 tiếng thành phố Mans (24 heures du Mans). Trong thế hệ diễn viên thời nay, có Patrick Dempsey (Grey’s Anatomy, Transformers III) từng tham gia nhiều cuộc đua trong đó có giải Porsche SuperCup, tổ chức song song với vòng đua xe F1 nổi tiếng của nước Đức.
Thế nhưng hơn ai hết, Steve McQueen gắn trọn đời mình với các loại động cơ, kể cả xe máy, xe hơi, máy bay. Theo lời kể của gia đình, thì ông có môt bộ sưu tập đắt tiền gồm khoảng 200 xe máy và hơn 50 chiếc xe đua. Trên màn ảnh lớn, Steve McQueen thích biểu diễn các pha rượt đuổi ly kỳ, hấp dẫn như trong các bộ phim như Bullitt hay là “The Great Escape” (Tẩu thoát ngoạn mục). Có người cho rằng Steve McQueen chỉ chọn đóng phim khi trong kịch bản có ghi sẵn những pha hành động như vậy. Thất bại lớn nhất trong đời ông vẫn là phim Le Mans, do Steve McQueen không còn tha thiết với dự án sau khi các hãng bảo hiểm cấm ông đóng những màn quá nguy hiểm rủi ro ….
Bộ phim tài liệu gợi thêm một góc nhìn khác : tuổi thơ bất hạnh của Steve McQueen khiến cho ông đâm ra hành động liều lĩnh, táo bạo như thể ông không hề ý thức được về mức độ rủi ro. Ước mơ trở thành một tay đua chuyên nghiệp khiến cho Steve McQueen gắn trọn cuộc đời với niềm đam mê cực kỳ mãnh liệt với tất cả những gì có thể tạo ra cảm giác mạnh. Người khác yêu cuồng sống vội, còn Steve McQueen sinh thời chỉ yêu đàn bà, thuốc lá và tốc độ ….