Hôm qua, 23/08/2014, công ty Arianespace thông báo hai vệ tinh do tên lửa đẩy Soyuz đưa lên quỹ đạo, đã không lên được quỹ đạo dự kiến. Cả hai vệ tinh này có kế hoạch tham gia vào hệ thống định vị vệ tinh của Châu Âu mang tên Galileo, để đối trọng với hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống định vị Galileo là một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS-global navigation satellite system) được xây dựng bởi Liên minh châu Âu.
Thông báo của Arianespace không để lại một chút nghi ngờ nào về thất bại này : « Các quan sát bổ sung được thu thập sau khi các vệ tinh rời khỏi tên lửa Soyuz, cho thấy có một khoảng cách giữa quỹ đạo đạt tới và quỹ đạo dự kiến ».
Hiện tại, các điều tra đang được tiến hành, theo Arianespace. Công ty phụ trách phóng vệ tinh cho biết các phân tích dữ kiện chuyến bay đã được nghiên cứu. Các kết quả sơ bộ đầu tiên cho thấy, các vệ tinh được đặt lên quỹ đạo thấp hơn dự kiến, 23,522 km gần Trái đất hơn.
Người điều phối liên bộ của Pháp trong chương trình Galileo tuyên bố với AFP rằng « các nhóm làm việc đang phối hợp để đưa các vệ tinh về đúng quỹ đạo », nhưng « việc khắc phục được trục trặc này là phức tạp ».
Bốn vệ tinh đầu tiên trong chương trình không gian này đã được đưa lên quỹ đạo. Hai vệ tinh vừa phóng lên có mục tiêu giúp cho hệ thống Galileo đủ điều kiện vận hành.
Chương trình xây dựng hệ thống Galileo, trị giá 5,5 tỷ euro, do Ủy ban Châu Âu tự chi trả 100%, có mục tiêu đối trọng với hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ và hệ thống Glonass của Nga. Hệ thống trong giai đoạn hoàn thiện sẽ bao gồm tổng cộng khoảng 30 vệ tinh.
Chương trình Galileo – được hy vọng hoàn thiện về mặt kỹ thuật hơn GPS – dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2008, nhưng đã nhiều lần phải hoãn lại. Năm 2015, Châu Âu có kế hoạch khởi động toàn hệ thống và bắt đầu từ 2017, Galileo sẽ có tổng cộng 24 vệ tinh… nếu tất cả đều được đưa lên đúng quỹ đạo.