post

Thomas Dutronc, tay đàn jazz du mục

Thomas Dutronc đoạt giải Victoires dành cho ca khúc xuất sắc nhất "Comme un manouche sans guitare" - DR

Thomas Dutronc đoạt giải Victoires dành cho ca khúc xuất sắc nhất “Comme un manouche sans guitare” – DR

Tuấn Thảo

Đối với một ca sĩ mới vào nghề, thật không dễ gì khi sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng. Càng khó hơn nữa khi người nghệ sĩ này phải gầy dựng sự nghiệp để tự mình làm nên tên tuổi, chứ không nhờ vả song thân. Trường hợp của Thomas Dutronc, con trai ruột của Françoise Hardy và Jacques Dutronc, cả hai nghệ sĩ này đều là thần tượng nhạc trẻ những năm 1960 tại Pháp.

Năm nay vừa ngoài 40 tuổi, Thomas Dutronc sinh trưởng (1973) tại Paris. Lớn lên trong một gia đình gồm toàn là những nhân vật nổi tiếng, nhưng bất ngờ thay ở trong nhà Thomas lại ít khi nào bàn tới nghề ca hát. Gương mặt duy nhất đã hé mở con đường này với anh là nhạc sĩ Serge Gainsbourg.

Nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, Thomas cho biết là vào năm anh 12, 13 tuổi, tác giả Gainsbourg thường ghé thăm gia đình anh và cho anh nghe những bài hát mà sau này khi lớn lên anh mới hiểu thấu được hết những ý nghĩa. Có lẽ cũng vì thế mà trong album mới phát hành cuối tháng Năm 2015mang tựa đề Éternels jusqu’à demain (Vĩnh cửu cho tới ngày mai), Thomas Dutronc mới sáng tác một số ca khúc để tưởng nhớ tác giả quá cố.

Dù gì đi nữa, Thomas Dutronc từ thuở thiếu thời đã muốn thoát khỏi cái bóng quá lớn của song thân. Sau khi tốt nghiệp tú tài, anh chọn khoa điện ảnh, khi ghi tên vào đại học. Đến khi ra trường, anh chọn ngành nhiếp ảnh, cho dù công việc này không hẳn là một nghề dễ kiếm sống. Thomas Dutronc tình cờ khám phá qua đĩa hát tài nghệ chơi đàn của nghhệ sĩ nhạc jazz Django Reinhardt, còn được mệnh danh là 3 ngón tay thần, do ông là một tay đàn cự phách, nhuần nhuyễn bấm dây dù ông bị cụt mất hai ngón tay. Do rất thích dòng nhạc này, cho nên Thomas mới tự học đàn ghi ta vào năm 18 tuổi, một quyết định mà theo anh không có liên quan gì tới song thân.

Bắt đầu đi chơi đàn trong các quán nhạc nghiệp dư, ở khu chợ trời Saint Ouen (Les Puces), Thomas học hỏi thêm cách chơi đàn ghi ta của cộng đồng người du mục. Thể loại này được gọi là jazz manouche, thường có những tiết tấu sinh động nhanh nhẹn, nhấn đệm lướt dây trong mỗi lần chuyển phách. Thomas Dutronc dấn thân vào nghề ca nhạc, từ năm 25 tuổi trở đi nhưng qua một con đường gián tiếp. Anh chủ yếu chơi đàn trong các ban nhạc chuyên đi biểu diễn kèm cho giới ca sĩ và quan trọng hơn nữa là anh chuyên sang tác nhạc nền để minh họa cho các bộ phim.

Dù tốt nghiệp khoa điện ảnh nhưng Thomas khám phá ra rằng anh không có máu diễn viên, đổi lại anh cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc trong khâu lồng âm thanh, sản xuất hậu kỳ. Vào năm 2003, Thomas lúc ấy vừa tròn 30 tuổi cùng hợp tác với nghệ sĩ Matthieu Chedid (con trai của nam ca sĩ Louis Chedid) để soạn nhạc phim kể cả phim truyện và phim hoạt hình (Toutes les filles sont folles của đạo diễn Pascale Pouzadoux và sau đó là phim Les Triplettes de Belleville của đạo diễn Sylvain Chomet).

Thành công của hai tác phẩm này giúp cho Thomas tự tin thêm vào năng khiếu sáng tác của mình. Anh bắt đầu sáng tác ca khúc cho các nghệ sĩ khác kể cả cho mẹ anh là Françoise Hardy, ca sĩ người Bỉ Jacno và nam danh ca quá cố Henri Salvador. Sau nhiều năm đắn đo do dự, Thomas Dutronc mới quyết định dấn thân vào nghề ca hát. Album đầu tay của anh được phát hành vào năm 2007, tức là khá trễ vì Thomas lúc đó đã 34 tuổi.

Album đầu tay của Thomas Dutronc được giới thiệu như là một album solo, nhưng thật ra là là thành quả của một ban nhạc, do trong vòng nhiều năm trời, anh luôn đi biểu diễn tại các quán nhạc jazz (Sunset-Sunside và New Morning) trong khuôn khổ của một nhóm tứ tấu nhạc jazz (cùng với các nghệ sĩ như Jérôme Ciosi, Bertrand Papy và Stéphane Chandelier).

Mang tựa đề Comme un manouche sans guitare (Như một người du mục mất cây đàn), tập nhạc đầu tay của Thomas Dutronc làm sống lại phong trào jazz manouche thịnh hành tại Pháp vào những năm 1930, đồng thời anh vinh danh bậc thầy Django Reinhardt, người đã nâng dòng nhạc này lên hàng nghệ thụât và đem nó ra ngoài để phổ biến trong làng nhạc jazz quốc tế. Kết quả là ca khúc chủ đạo album này giúp cho Thomas Dutronc đoạt giải thưởng ca nhạc Pháp Victoires de la Musique vào đầu năm 2009 dành cho tác phẩm xuất sắc nhất.

Từ đó trở đi, Thomas Dutronc trở thành một trong những gương mặt sang giá của làng nhạc Pháp, chuyên biểu diễn và hợp tác trong khá nhiều dự án ghi âm, kể cả các bài ghi âm với bậc thầy Aznavour, album cover các bài hát ăn khách của Renaud, hai vở ca nhạc kịch dành cho thiếu nhi (Soldat Rose) các bản song ca với Zaz hay là với Imelda May, cũng như các album nhằm gây qũy giúp đỡ các Quán ăn tình thương, tổ chức từ thiện của Cha Pierre ….

Nhịp độ làm việc ấy có thể giải thích vì sao trong vòng gần một thập niên, Thomas Dutronc tính tới nay chỉ cho ra mắt ba album phòng thu (2007, 2011 và 2015). Album mới của anh tiếp tục khai thác dòng nhạc jazz manouche, nhưng phối hợp thêm với pop rock, vì lần fđầu tiên anh hợp tác với nhiều nhạc sĩ quốc tế tại Luân Đôn, trong đó có nhóm sản xuất của Paul McCartney.

Hiện giờ Thomas Dutronc dường như là gương mặt duy nhất trong giới nghệ sĩ cùng thời ghi âm một album xen kẻ ca khúc với những bản nhạc không lời, một phần cũng vì theo anh các khúc đàn ghi ta tự nó đã nói lên cái chất của dòng nhạc jazz manouche, một phần khác vì Thomas xem sở trường của anh là chơi đàn ghi ta hơn là ca hát.

Nghe qua các bản nhạc của Thomas Dutronc, ta có thể liên tưởng đến Sacha Distel, từng làm sống lại hình ảnh của Django Reinhardt trong nhạc phẩm Ma Première Guitare. Đối với một ca sĩ mới vào nghề, thật không dễ gì khi muốn thoát khỏi hình bóng quá lớn của song thân. Rốt cuộc thì sau hơn 10 năm hoạt động trong nghề Thomas Dutronc đã thành công trong việc gầy dựng một sự nghiệp cho riêng mình, nhờ năng lực và mồ hôi mà làm nên tên tuổi của một tay đàn “du mục”.

Xem Serge Gainsbourg (1928-1991)