Thu Hằng RFI
Trong suốt cuối thế kỷ XVI và nửa đầu thế kỷ XIX, chữ quốc chỉ được dùng trong mục đích truyền giáo. Đây là loại kí tự dùng chữ cái La tinh để ghi lại tiếng nói của người Việt. Công trình này lần lượt được các nhà truyền giáo dòng Tên khởi nguồn và hoàn thiện, từ Gaspard d’Amaral và Antonio Barbosa, hai giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha, cho tới Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) hay Pigneaux de Béhaine (cha Bá Đa Lộc), người Pháp.
Khi mới đặt chân tới Tourane (Đà Nẵng) vào năm 1624, cha Đắc Lộ đã không khỏi ngạc nhiên khi nghe người bản địa, đặc biệt là phụ nữ, nói như “chim hót” và đã từng nghĩ không thể nào học được tiếng nói này. Sau này, chính ông là người đã hệ thống hóa và phổ biến loại chữ viết La tinh, vừa dễ học vừa nhanh hơn so với chữ Hán và chữ Nôm. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ được hoàn thiện như ngày nay là nhờ vào công sức của cha Bá Đa Lộc trong khoảng cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX.
Sau khi chiếm được Sài Gòn và bắt đầu công cuộc khai thác, chữ quốc ngữ trở thành công cụ hữu ích cho chính sách đô hộ. Chính quyền Pháp muốn sử dụng loại chữ viết này để cắt hẳn mọi liên hệ giữa người dân Nam Kỳ, giờ đây nằm dưới sự cai trị của người Pháp, với nền văn minh Trung Hoa, tiếp theo là phổ biến học thuật Pháp và đồng hoá dân bản địa.
Trong thư văn đề ngày 15/01/1866 gởi cho thống đốc Sài Gòn, giám đốc nội vụ Paulin Vial có viết : « Từ những ngày đầu người ta (Pháp) đã hiểu rằng chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ ; sự giáo dục bằng thứ chữ tượng hình khó hiểu làm chúng ta rơi tuột hoàn toàn ; lối viết này chỉ tổ khó cho việc truyền đạt đến dân chúng những điều tạp sự cần thiết có liên quan tới khung cảnh của nền cai trị mới cũng như cho việc thương mại… Chúng ta bắt buộc phải theo truyền thống nền giáo dục riêng của chúng ta ; đó là cách duy nhất khiến chúng ta có thể gần gũi người An Nam thuộc địa hơn, ghi vào tâm não họ những manh mối của nền văn minh Âu châu đồng thời cô lập họ khỏi ảnh hưởng đối nghịch của các lân quốc của chúng ta ».
Tuy nhiên, các đô đốc Pháp nhanh chóng hiểu rằng rất khó thay đổi được một đất nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và lòng trung thành sâu sắc của người dân đối với triều đình. Họ chú ý tăng cường ảnh hưởng của Pháp tới đời sống và phong tục của người Nam Kỳ. Để thực hiện thành công chính sách cai trị và “mị dân”, các “quan” Pháp được khuyến khích học chữ hán, chữ quốc ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt mang tính chuyên môn cao được các “học giả” quân sự dịch và soạn thảo trong giai đoạn này.
Mặt khác, họ đưa chữ quốc ngữ ra khỏi khuôn khổ của Giáo Hội để phổ biến trong dân. Ngay từ năm 1864, các trường tiểu học quốc ngữ được thành lập tại các trung tâm quan trọng nhất và các làng công giáo. Mục đích chính là nhằm đào tạo một thế hệ công chức tương lai tận tâm với nước Pháp, đồng thời cắt đứt ảnh hưởng của Nho giáo. Bắt đầu từ năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng là văn tự chính thức trong giao dịch, giấy tờ hành chính, tư pháp và thương mại của nhà cầm quyền thuộc địa. Các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ và chỉ được thăng chức hay giảm thuế nếu biết đọc, biết viết loại văn tự này.
Biên soạn giáo trình dạy chữ quốc ngữ
Về phần mình, từ khi được bổ nhiệm làm chánh tổng tài tờ Gia-định báo (16/09/1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển sự nghiệp dịch thuật và viết văn. Đây cũng là vị trí và công cụ giúp ông phổ biến rộng rãi hơn chữ quốc ngữ. Thái độ ủng hộ việc truyền bá học thuật bằng kí tự La tinh này đã được ông thể hiện với Richard Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.
Sau này, lợi ích và vai trò của nó còn được ông nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học, 1876) như sau : « Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này ». Ông cho rằng loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới vì ba lý do : Thứ nhất, do nạn mù chữ đại trà trong dân, tiếp theo là chữ hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ.
Ngoài ra, ông còn khuyên nhủ người học như sau :
« Sách nầy là sách rút tóm lại những đều đại-cái người ta phải học, để cho con trẻ mới vô trường, học những đều đại lược mà phá ngu, cho đặng đến sau khi vào trường chung nghe dạy nghe giải rộng các đều ấy thì mau hiểu hơn là một ; hai nữa là để mà tập coi, tập đọc tập viết tiếng Annam trong chữ quốc-ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ-ràng.
Khuyên các trò hãy bớt tính ham chơi, mà chuyên việc học-hành, chữ-nghĩa, văn-chương cho được vào đường công-danh với người-ta cho sớm, trước là cho đặng đẹp mặt nở mày cha mẹ, giúp đời dạy dân, sau là cho mình được công thành danh toại, thơm danh, tốt tiếng ở đời ».
Dù tên sách viết bằng tiếng Pháp nhưng đây là bộ giáo án giành cho giáo viên, gồm hai phần, phần một là « phép học chữ quốc ngữ, lịch sử An Nam và Tàu », và phần hai gồm « các khái niệm khoa học cơ bản ». Trong đó, Trương Vĩnh Ký giải thích cách tổ chức một buổi lên lớp, các hoạt động hay cách đánh giá học sinh.
« Hễ trò nào mới vô thì phóng vở theo đã ra trước nầy, giao cho nó, cấp cho một trò cũ đã biết mà nhác-biểu chỉ-vẽ cho nó.
Phân lớp ra mà dạy cho dễ : Như học-trò đã biết viết, biết đọc thì bát nó viết mò, bát đọc một đoạn sách cho lẹ cho xuôi. Viết mò thì lấy những tuồng, văn, thơ, phú, mà nói cho nó viết, viết rồi thì thầy coi mà sửa lại cho nó, cho chính câu chính chữ.
Còn mỗi bữa học, bát nó kiếm câu hát, câu đối, lời phương ngôn tục ngữ, diêu ngôn vân vân, mà viết ra một đâu câu chẳng hạn, đem tới nộp cho thầy sửa, góp những cái ấy lại, để một nơi.
Dạy toán thì trước hết dạy bốn phép, cộng, trừ, nhơn, chia, cho rõ. Rồi cứ ra bài đố cho nó mần cho quen. Dạy phép đo cũng vậy… Những tập nó học nó viết mỗi bữa học thì thầy sửa rồi đề ngày vô cho nó, cho dễ xét đứa nào trễ-nải, đặng như quan có đòi thì thầy có sẵn mà nộp cho quan ».
Một giáo trình khác được Trương Vĩnh Ký biên soạn nhằm chủ yếu vào giới quan lại địa phương khi có nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ trong các văn bản hành chính. L’Alphabet quốc ngữ en treize tableaux avec des exercices de lecture (Vần quốc ngữ thông qua 13 bảng và các bài tập đọc, 1887) giúp các quan học loại chữ viết này trong một thời gian ngắn. Tám bảng đầu dạy học nguyên âm và phụ âm cùng với sáu thanh điệu và cách ghép vần. Các bảng còn lại gồm các bài tập đọc, từ đơn giản tới phức tạp.
Sưu tầm-chuyển ngữ
Song song với việc soạn giáo trình, Trương Vĩnh Ký dùng chữ quốc ngữ ghi lại những cuốn sách Tàu và những tác phẩm được viết bằng chữ nôm. Trên thực tế, hai loại chữ tượng hình trên dần dần bị sao nhãng và ngày càng có ít người sử dụng. Chữ Hán chỉ giành cho một bộ phận nhỏ gồm các nhà nho và quan lại. Trong khi đó, chữ Nôm còn phức tạp hơn do mượn Hán tự. Vì vậy, cần phải biết chữ Hán mới có thể học được loại chữ này.
Hơn nữa, Trương Vĩnh Ký cho rằng văn học Việt Nam mới chỉ có thơ ca với nhiều thể loại khác nhau, song không có văn xuôi và các loại khảo cứu, nghị luận. Dịch thuật là một cách giúp học làm văn và làm giàu từ vựng tiếng Việt. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi một phần ba trong tổng số 118 tác phẩm của ông là các công trình dịch thuật.
Vấn đề phiên dịch các tác phẩm Tầu ra thể văn vần chữ quốc ngữ cũng đã được Luro, một thanh tra bản xứ sự vụ, trong bản báo cáo ngày 06/01/1873, đề xuất : « Từ lâu, tôi thỉnh cầu một cách vô hiệu rằng người ta phải phiên dịch, dưới sự chăm sóc của một hội đồng có đủ quyền hành, lịch sử nước An Nam và những sách cao quí triết lý của Trung Hoa. Người dân ít nghe tiếng Quan thoại, họ sẽ rất sung sướng có được những cuốn sách dịch bằng ngôn ngữ thường ngày của họ một cách thanh nhã. Họ sẽ mua, sẽ đọc những cuốn sách đó. Trong số các thừa sai và viên chức của chúng ta, chúng ta có nhiều người có đủ khả năng để hoàn thành những sách dịch thanh nhã từ tiếng Quan thoại ra tiếng nói hàng ngày ».
Như vậy, cả chính phủ Pháp và Trương Vĩnh Ký đều tận dụng thời cơ để phổ biến chữ quốc ngữ. Chính quyền Pháp muốn « mượn tay » những công chức Pháp hóa để tách rời dân chúng khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Còn Trương Vĩnh Ký thì hoàn toàn tin vào chính sách khai hóa của nước Pháp. Và, theo ông, công cụ duy nhất để có thể đạt tới trình độ « Học thuật Châu Âu » là chữ quốc ngữ. Chính vì thế, ông tìm mọi cách để loại chữ viết La tinh này được phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp dân chúng.
Từ khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, ông chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu bình dân, gồm những áng văn vần và chuyện dân gian rất được ưa chuộng, như : Phép lịch sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Nữ tắc (1882), Thạnh suy bỉ thới phú (1883), Cờ bạc nha phiến (1884), Ngư tiều trường điệu (1884)… Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận định rất đúng khi viết : « Hồi đó, ông (Trương Vĩnh Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian… »
Tất cả đều được bán với giá rất hợp lý. Thường những tập dày 7 đến 10 trang, được bán với giá từ 35 đến 50 xu franc và từ 1 đến 2 franc đối với những tập dày trên hai mươi trang.
Viết văn
Thông qua những bản dịch, lần đầu tiên một loại hình văn học mới được đưa vào Việt Nam. Đó là văn xuôi, với nhiều thể loại khác nhau, như tiểu luận, kí sự hay tiểu thuyết. Tại thời kỳ đó, thể loại này còn chưa được ưa chuộng và không được coi là « văn học », vì người ta cho rằng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ngang như lời nói. Công bằng mà nói, lời nhận xét khá đúng, vì ngôn từ và cách hành văn trong các tác phẩm thời đó thiếu trau chuốt và tự nhiên như văn của thế hệ sau này.
Bài văn xuôi đầu tiên do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dài khoảng bẩy trang, xuất hiện trên tờ Gia-định báo vào năm 1863, dưới tựa đề Ghi về vương quốc Khơ Me (1863). Phải chờ tới năm 1881, Trương Vĩnh Ký viết một tập bút kí khác, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), công phu hơn và trau chuốt hơn. Tuy nhiên, ông phải mượn rất nhiều từ Hán để có thể miêu tả tỉ mỉ chuyến đi này. Không bàn tới mục đích của chuyến công du Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, ở đây chúng ta chỉ quan tâm sau chuyến đi này, ông viết một bản hồi kí ghi lại những kỉ niệm, những điều « mắt thấy tai nghe », vị trí địa lý, lịch sử, những phong tục tập quán của những địa phương nơi ông đi qua.
Ví dụ văn phong trong một đoạn miêu tả « Chợ » ở Bắc Kỳ : « Chợ-búa nội cả tỉnh cũng nhiều lắm. Mà chợ lớn có tiếng và đủ đồ hơn hết tại Bắc-kỳ, thì là những chợ kể trong câu ví nầy : Xứ Nam là chợ Bằng Vồi ; xứ bắc Giâu, Khám, xứ đoài Xuân Canh ; nghĩa là tỉnh Hà-nội, Hưng-yên, Ninh-bình, Nam-định là phía nam, thì có chợ Bằng, chợ Vồi có tiếng hơn hết. Còn bắc là Bắc-ninh, thì có chợ Giâu, chợ Khám ; xứ đoài là trên Sơn-tây thì là chợ Thâm-xuân-canh ».
Một nhà nghiên cứu nhận xét đây là « một trong vài tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất của thế kỷ XIX, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi để lại nhiều dấu ấn ngôn ngữ với những phương ngữ, tiếng Việt cổ có giá trị về mặt ngôn ngữ. Câu văn khúc chiết, sinh động chứng tỏ năng lực viết văn xuôi quốc ngữ của tác giả trong buổi sơ khai của loại chữ mới mẻ này ».
Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc tại Bắc Kỳ. Từ giai đoạn này trở đi, các nhà trí thức trẻ không ngừng trau dồi, phát triển và phổ biến nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 1954, quốc ngữ trở thành chữ chính thức của các cơ quan hành chính Việt Nam. Điều này đã khẳng định tiên đoán cũng như mong muốn của Trương Vĩnh Ký vào năm 1876 : « Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà ».
Xem thêm Trương Vĩnh Ký : Chiếc cầu nối Đông-Tây