post

Từ cà phê treo ở Ý đến cơm treo ở Việt Nam (RFI)

13-com-treo-03

Facebook comtreo

Thụy My RFI

Người khách vào quán, trả tiền cho hai ly cà phê nhưng chỉ uống một ly. Ly cà phê còn lại được dành cho một người nào đó, thèm một ly cà phê nóng nhưng lại không có khả năng chi trả. Đó có thể là một người vô gia cư, một người thất nghiệp, một người nghèo…Họ vào quán, hỏi có ly « cà phê treo » nào không, và chủ quán mang đến cho họ một ly cà phê do một người hảo tâm đã trả tiền trước – thường là một người vô danh.


Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly « caffè sospeso » (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác, và tại Pháp không chỉ có « cà phê treo » (café suspendu) mà còn có « bánh mì đợi chờ » (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.

Tại Việt Nam, mô hình « cơm treo » bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái. Tiến sĩ tin học Trần Viết Huân ở Thành phố Hồ Chí Minh, người phụ trách dự án cơm treo cho biết vì sao ý tưởng này được áp dụng một cách linh hoạt ở Việt Nam. Cho đến nay đã có bảy nhà hàng, quán cà phê và một khách sạn đồng ý hỗ trợ bán phiếu cơm treo.

Trước đây tạp chí cộng đồng cũng đã từng giới thiệu các quán ăn hai ngàn đồng cho người nghèo ở Sài Gòn, trong hệ thống quán ăn Nụ Cười thuộc Quỹ từ thiện Tình thương. Anh Trần Viết Huân cho biết một những khó khăn khi triển khai dự án, là khái niệm « cơm treo » còn quá mới mẻ.

Ý tưởng này thật ra ngay ở Pháp cũng còn khá mới, nhưng hiện nay cũng đã có trên 12.000 người đăng ký trên hai trang web « cà phê treo » và « bánh mì chờ đợi », với khoảng 400 cửa hàng tham gia. Hy vọng rằng « cơm treo » rồi sẽ được nhiều người biết đến hơn tại Việt Nam.

(nguồn http://www.viet.rfi.fr/ )