Tuấn Thảo RFI
Hàng năm, cộng đồng LGBT thường tổ chức tuần hành dưới lá cờ cầu vồng vào cuối tháng Sáu. Nhưng tại sao giới đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung lại chọn thời điểm này ? Vì lý do nào họ chọn cầu vồng lục sắc làm biểu tượng đấu tranh ?
[LGBT or GLBT is an initialism that stands for lesbian, gay, bisexual, and transgender.] (wikipedia.org)
Cuộc tuần hành của giới LGBT (gồm cả giới đồng tính, lưỡng tính và hoán tính) có liên quan tới hai yếu tố cộng hưởng. Thứ nhất là cái chết của thần tượng điện ảnh và ca nhạc người Mỹ Judy Garland và thứ nhì là cuộc trấn áp giới đồng tính của cảnh sát thành phố New York tại quán bar Stonewall Inn.
Vào ngày 22 tháng Sáu năm 1969, ngôi sao điện ảnh Judy Garland (thân mẫu của Liza Minelli) đột ngột qua đời ở tuổi 47 vì dùng thuốc quá liều tại Luân Đôn. Tang lễ của bà được dự trù diễn ra năm ngày sau vào ngày 27 tháng Sáu. Vào thời ấy, Judy Garland là một trong những thần tượng của giới đồng tính.
Tại các quán bar dành cho giới gay, bản nhạc Over the Rainbow (Phía bên kia cầu vòng) của bà thường là một trong những tiết mục biểu diễn ưng ý của giới drag queens, họ không phải là những người chuyển đổi giới tính (transgender) mà thường là những đàn ông chuyên hoá trang thành những ngôi sao lộng lẫy cho những tiết mục hoành tráng trên sân khấu.
Vào lúc mà giới đồng tính ở Manhattan (khái niệm cộng đồng LGBT lúc đó còn chưa ra đời) đang tưởng niệm Judy Garland qua những buổi tụ họp đốt nến, thì lại xẩy ra vụ bố ráp của cảnh sát đêm 27, rạng sáng ngày 28 tháng Sáu năm 1969 tại quán rượu Stonewall Inn. Nằm ở góc đường Christopher Street, đối diện với Sheridan Square, quán rượu Stonewall Inn nằm dưới sự điều khiển của các băng đảng mafia, do vào thời bấy giờ quan hệ đồng tính vẫn còn bị luật pháp Hoa Kỳ trừng trị nghiêm khắc. Các chủ quán thời ấy không ai chịu mở cửa đón tiếp các sinh hoạt của giới gay, chỉ có giới mafia mới dám làm như vậy, họ cũng thường xuyên đút lót để cảnh sát nhắm mắt cho qua.
Có nhiều khả năng là cảnh sát quận 9 Manhattan lúc bấy giờ cố tình gây khó dễ để vòi thêm tiền, chuyện câu lưu giới đồng tính, đưa về bót để kiểm tra giấy tờ xẩy ra như cơm bữa. Chỉ có điều là trong vụ bố ráp lần này, mọi chuyện lại xẩy ra ngoài dự đoán. Tức nước vỡ bờ, giới đồng tính do quá bực mình vì liên tục bị sách nhiễu đã quyết định chống trả lại. Những khách hàng thường xuyên lui tới quán Stonewall Inn đã ném chai, chọi đá vào cảnh sát. Cuôc nổi loạn tưởng chừng sẽ lắng yên sau một đêm, nào ngờ kéo dài tới ba ngày, lan tỏa lớn rộng sang các dãy phố lân cận, từ Greenwich Village cho tới Chelsea.
Thông tin này sau đó lan nhanh khắp nước Mỹ. Báo chí thời bấy giờ gọi đó là vụ bạo loạn Stonewall Inn. Điều mà họ không dự báo được là trong mắt của giới đồng tính, Stonewall Inn đã châm ngòi cho một phong trào nổi dậy, điểm khởi đầu của hành trình đấu tranh lâu dài và sâu rộng hơn trong suốt những năm 1970. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, giới đồng tính tự tập hợp lại, ban đầu là những nhóm nhỏ rồi dần dần thành một phong trào có tổ chức hẳn hoi.
Không ai cho bạn quyền tự do, bạn phải đấu tranh để tự giành lấy nó. Ý thức được điều đó, nhiều hiệp hội tổ chức lần lượt ra đời. Các vụ bắt bớ, hù dọa tinh thần có thể nhắm vào một cá nhân riêng lẻ, nhưng khi đã tập hợp thành một đoàn thể, thì sự đoàn kết ấy lại tạo nên sức răn đe. Cảnh sát trước kia trấn áp thẳng tay, kể từ đầu những năm 1970, buộc phải cân nhắc, suy nghĩ lại. Một trong những yếu tố giúp cho giới đồng tính ở Mỹ đạt thành công trong cuộc đấu tranh của họ vẫn là phương cách đánh động dư luận, nhất là trong các trường hợp cảnh sát sách nhiễu các cộng đồng thiểu số (kể cả màu da, sắc tộc, định hướng giới tính).
Một mặt giới đồng tính ở thành phố New York phải vượt qua những bất đồng nội bộ để hình thành một cộng đồng có cùng một tiếng nói, cho dù các thành viên rất khác nhau từ tuổi tác, giới tính cho tới giai cấp xã hội. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm sau biến cố Stonewall Inn, cộng đồng này đã cho ra đời ba tờ báo và hai đoàn thể để tập trung vào những chiến thuật đấu tranh.
Tự mình đòi hỏi quyền lợi không thôi vẫn chưa đủ, mà còn cần phải tranh thủ sự ủng hộ của các thành phần trí thức, văn nghệ sĩ, giới truyền thông và tất cả những ai có tư tưởng thông thoáng cởi mở …. Nếu như trước kia không có ai trao tiếng nói cho các cộng đồng thiểu số, thì từ những năm 1970 trở đi, giới đồng tính chẳng những có cơ quan ngôn luận thông qua các tờ báo chuyên đề, mà họ còn nhận được sự hưởng ứng của các thành phần ôn hoà hay cấp tiến, đôi khi có nhiều trọng lượng trong xã hội Mỹ.
Mô hình đấu tranh này dẫn tới sự hình thành của cộng đồng LGBT và sau đó được nhiều nước Tây Âu áp dụng, cho dù cách vận hành tổ chức cũng như kết quả không đồng đều như mong muốn. Cuộc đấu tranh diễn ra theo từng giai đoạn, hàm chứa nhiều nghịch lý thậm chí mâu thuẫn, và dĩ nhiên là dẫn tới nhiều cuôc tranh cãi dữ dội sôi nổi tại nhiều quốc gia. Nếu như các nước Âu Mỹ đã đạt được một số ‘’thành quả’’ nhất định, thì thật ra tại nhiều quốc gia khác như tại Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng LGBT vẫn bị truy bức trấn áp, các nước hồi giáo ở Trung Đông hay châu Phi vẫn áp dụng án tử hình đối với những người có quan hệ đồng tính.
Cuộc đấu tranh bền bỉ lâu dài của cộng đồng LGBT trên thế giới vẫn còn rất nhiều chông gai. Để tưởng nhớ sự kiện Stonewall, giới đồng tính tổ chức cuộc tuần hành hàng năm vào thời điểm cuối tháng Sáu. Lá cờ cầu vồng lục sắc vẫn là biểu tượng đấu tranh của họ bởi vì cũng như trong bài hát “Bên kia cầu vồng” Over the Rainbow, nó thể hiện cho ánh hy vọng đợi chờ, niềm lạc quan muôn thuở :
“Xa xôi tận nơi nào
Phía bên kia cầu vồng
Cao vời vợi sắc màu
Trong điệu ru lồng lộng
Mát rượi trời trong xanh
Cỏ tươi đất muôn ánh
Cho bao giấc mộng lành
Đều biến thành hiện thực”