Thụy My RFI
Các đại dương trên toàn cầu có giá trị kinh tế lên đến 24.000 tỉ đô la, tương đương với của cải do các nước tiên tiến nhất sản sinh ra. Đó là nhận định của công trình nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature -WWF) được công bố hôm qua 23/04/2015.
Tuy vậy tổ chức quốc tế có trụ sở tại Genève cảnh báo, việc khai thác quá mức các đại dương, quản lý tồi và hiện tượng thay đổi khí hậu là mối đe dọa ngày càng lớn cho tài nguyên kinh tế này.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đưa ra « ước lượng thận trọng » về giá trị của các đại dương trên toàn hành tinh là 24.000 tỉ đô la. Mỗi năm các đại dương mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 2.500 tỉ đô la, được xếp vào bảng danh sách các quốc gia có tổng sản phẩm nội địa lớn nhất trên thế giới.
Có thể kể cụ thể: Hoa Kỳ (17.400 tỉ đô la), Trung Quốc (10.400 tỉ), Nhật Bản (4.800 tỉ), Đức (3.800 tỉ), Pháp (2.900 tỉ), Anh (2.900 tỉ), Bzazil (2.200 tỉ), Ý (2.100 tỉ), Nga (2.100 tỉ), Ấn Độ (2.000 tỉ).
Ước lượng của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên dựa trên cơ sở bản báo cáo mới mang tên « Reviving the Ocean Economy » (Làm hồi sinh nền kinh tế đại dương), được thực hiện với sự hợp tác của « Global Change Institut » của trường đại học Queensland và cơ quan tư vấn Boston Consulting Group. Theo đó, hai phần ba lượng tài sản do đại dương tạo ra hàng năm lệ thuộc trực tiếp vào tình trạng kinh tế của các đại dương này.
Chuyên gia về biển và đại dương của WWF Thụy Sĩ, bà Alice Eymard-Duvernay giải thích : « Để duy trì nguồn lợi to lớn ấy, cần phải bảo vệ các đại dương khỏi nạn khai thác quá mức, và các tác động tiêu cực của tình trạng hâm nóng khí hậu ».
Ngày nay, phân nửa lượng san hô trên toàn thế giới đã biến mất. Theo
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, số san hô còn lại có thể sẽ bị hủy hoại trong vòng 35 năm tới. Ngoài ra 90% trữ lượng cá đã bị lạm thu, hoặc đang bị khai thác ngày càng nhiều. Còn các rặng sú vẹt, hệ thống bảo vệ sinh thái biển tại vùng nhiệt đới, đang bị phá hoại với tốc độ cao gấp bốn, năm lần so với các khu rừng khác.
Các chuyên gia của WWF cho rằng : « Vẫn còn có thời gian để đảo ngược lại xu hướng này ». Với mục đích đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đề nghị một loạt tám biện pháp, trong đó có việc tính đến các đại dương trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời áp dụng các phương pháp chống nạn hâm nóng khí hậu, và bắt buộc tăng cường bảo vệ các vùng duyên hải và vùng biển.
Theo http://vi.rfi.fr/